Cần cảnh giác với những lời kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt
Xuất hiện nhiều trang fanpage giả mạo
Ngày 11/9, UBND tỉnh Phú Thọ đưa ra thông tin mạng xã hội Facebook xuất hiện fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống của huyện Lâm Thao để kêu gọi những nhà hảo tâm quyên góp, chuyển tiền ủng hộ cho các gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.
Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (Phú Thọ). (Ảnh: Công an cung cấp) |
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao khẳng định, cơ quan này đang tập trung phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao chưa thực hiện vận động kêu gọi ủng hộ đối với những người bị nạn và gia đình có người bị nạn.
“Thông tin Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao kêu gọi ủng hộ cho những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu trên Facebook là không chính xác. Người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang Fanpage giả mạo. Ngay sau khi phát hiện sự việc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao đã phối hợp với công an để xác minh, làm rõ đối tượng liên quan”, ông Nguyễn Mạnh Toàn nói.
Fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh. |
Trước đó, ngày 7/9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng bài cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.
Mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả do fanpage giả mạo Viettel Telecom đăng tải. Fanpage này cho biết người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối Internet. Đại diện Viettel Telecom đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên.
Hình thức lừa đảo tinh vi, sử dụng hình ảnh AI
Mới đây, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) đã nêu ra một số trường hợp lừa đảo mới trong những ngày gần đây. Lợi dụng lúc cả nước đang hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nhiều kẻ xấu sẽ đăng tải các bài viết trên mạng xã hội kèm theo những hình ảnh rất đáng thương được tạo ra bằng AI. Sau đó kẻ xấu sẽ lợi dụng lòng thương để lừa người dùng chuyển tiền từ thiện.
Một hình ảnh được tạo ra bằng AI để kêu gọi lòng thương của người dùng mạng xã hội. (Ảnh: Hiếu PC cung cấp) |
Một số đối tượng lợi dụng sự quan tâm của người dân đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt. Cụ thể, trong hai ngày 10-11/9, nhiều tài khoản đăng trên mạng xã hội đưa thông tin về tình trạng vỡ đê khiến nhiều người mắc kẹt ở khu ngập nặng như Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) gây hoang mang dư luận.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, khẳng định đây là những thông tin sai sự thật, hiện tại hệ thống đê quốc gia vẫn an toàn. Với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, người dân không được chủ quan, song cần tỉnh táo, chọn lọc khi tiếp cận thông tin, nhất là không tin theo, không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.
Một trường hợp bị lừa đảo qua mạng. (Ảnh chụp màn hình) |
Tương tự, trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội), những kẻ lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra, giả mạo Hội Phụ nữ phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch để kêu gọi nhà hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân sau đó chiếm đoạt.
UBND quận Ba Đình khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo lừa đảo rộng rãi để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.
Cần tỉnh táo khi làm từ thiện
Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, lợi dụng các thảm hoạ, thiên tai để lừa đảo là tình trạng khá phổ biến trên thế giới. Vì vậy, người dùng nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, tránh chuyển tiền từ thiện nhầm.
Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ chống bão lũ, cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng. Cần theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức chính thống, các địa chỉ tin cậy tiếp nhận tiền, hàng hoá ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão. Người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.
Tại Hướng dẫn 38/HD-MTTW-BTT năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hướng dẫn hình thức ủng hộ và tiếp nhận nguồn đóng góp cho đồng bào vùng lũ lụt. Cụ thể, với tình hình hiện tại, người dân có thể quyên góp, ủng hộ cho người dân bị thiệt hại bởi bão lũ bằng những cách sau: 1. Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước - Tài khoản tại Kho bạc nhà nước + Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam + Số tài khoản: 3713.0.1058784.00000 + Mã đơn vị QHNS: 1058784 + Tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước 2. Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng - Tài khoản tiền Việt Nam + Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương + Số tài khoản: 001.1.00.193241.8 + Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Tài khoản ngoại tệ + Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương + Số tài khoản: 001.1.37.193253.8 + Tại sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam 3. Quyên góp, ủng hộ tiền mặt Đơn vị tiếp nhận: Phòng Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phòng 109 và 111 nhà B, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 4. Quyên góp, ủng hộ bằng hiện vật Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ bằng hàng (chưa sử dụng) thì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Hội Chữ thập đỏ các cấp để phân bổ và chuyển trực tiếp các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt. 5. Ủng hộ qua chương trình vận động quyên góp của địa phương Người dân có thể Liên hệ trực tiếp tại địa phương qua các chương trình vận động quyên góp của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ các tỉnh, thành phố báo cáo với cấp ủy phối hợp với chính quyền tổ chức. Số tiền vận động quyên góp được chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Cứu trợ Trung ương) để cân đối phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại. Ngoài những cách như trên thì người dân cũng có thể quyên góp, ủng hộ thông qua các đơn vị, cơ quan làm việc; trường học; tổ chức, đơn vị uy tín có đứng ra kêu gọi ủng hộ, quyên góp. |
Quốc tế chung tay hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3 Nhiều khoản viện trợ khẩn cấp đã được nhiều quốc gia trên thế giới công bố hỗ trợ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. |
Không tổ chức Tết Trung thu đông người nơi vùng lũ Bộ Lao động - Thương binh và xã hội yêu cầu không tổ chức Tết Trung thu phô trương, hình thức, đặc biệt tuyệt đối không tổ chức sự kiện tập trung đông người, không an toàn tại nơi có ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. |