Cận cảnh bảo vật quốc gia bia đá hình hộp được tạo tác cách đây gần 500 năm
Bia hộp đá Đồi Cốc được đặt trong Đền thờ trạng nguyên Giáp Hải ở thôn Cốc, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang là hiện vật mang tính tiêu biểu, độc đáo đại diện cho thời Mạc ở nước ta. Nội dung văn bia là tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Giáp Hải. Văn bia còn làm sáng tỏ những huyền thoại ly kỳ liên quan đến thân phận Trạng nguyên dưới triều nhà Mạc. Đến nay cả nước mới phát hiện 12 tấm bia tương tự.
Bảo vật quốc gia bia hộp đá thời Mạc. Nguồn: Tiền phong |
Theo các tài liệu nghiên cứu lịch sử, ông đã phò nhà Mạc 49 năm và từng giữ nhiều chức vị cao, đặc biệt là Thượng thư sáu bộ, được vua ban lá cờ thêu đôi câu đối: Trạng đầu Tể tướng đẩu Nam tuấn/ Quốc lão đế sư thiên hạ tôn (Là Trạng nguyên, Tể tướng cao đẹp như sao đẩu trời Nam/ Bậc Quốc lão, thầy dạy vua thiên hạ đã tôn vinh).
Bia có hình chữ nhật gồm hai phần: Phần bia và phần nắp đậy, ôm khít vào nhau. Phần nắp đậy cao 72 cm, rộng 49 cm, dày 16cm. Lòng nắp và mặt thân bia đều được mài phẳng, nhẵn, khắc văn tự Hán cổ và chữ Nôm.
Ba diềm cạnh của bia khắc chìm họa tiết hoa dây cuốn. Diềm trên khắc chữ khổ to, nét kép dòng chữ “Thái Bảo Giáp phủ quân mộ chí”.
Du khách tham quan Bia hộp đá Đồi Cốc. Nguồn: Báo Bắc Giang |
Bia được các nghệ nhân dân gian xưa sử dụng liên hoàn các kỹ thuật thủ công thô sơ như: Xẻ đá, mài, chạm khắc chữ và hoa văn. Chữ trên bia là kiểu chữ khải, đường nét mảnh, khắc nông. Tuy vậy, những họa tiết hoa văn và nghệ thuật khắc chữ đã đạt đến độ tinh xảo thường gặp ở các tác phẩm điêu khắc đá thời Mạc.
Nội dung văn bia là tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Giáp Hải và Khánh Sơn tiên sinh - thân phụ của Trạng nguyên Giáp Hải. Văn bia còn làm sáng tỏ những huyền thoại ly kỳ liên quan đến thân phận Trạng nguyên dưới triều nhà Mạc.
Việc tìm và lưu giữ bia vô cùng độc đáo này nhờ công sức và tấm lòng của người dân với văn hóa truyền thống.
Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.