Cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo
Tại phiên họp chiều ngày 18/11, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 14 chính thức thông qua dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 417/428 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã bỏ phiếu tán thành, chiếm 84,58% tổng số đại biểu. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. (Ảnh: Quốc hội)
Theo dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều. Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Đối tượng áp dụng của Luật là các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong đó, quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm: Cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân…
Về quy định điều kiện thời gian để công nhận tổ chức tôn giáo: tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ được công nhận.
Luật khẳng định việc bảo đảm quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo.
Ngoài ra, Luật cũng quy định rất đầy đủ, cụ thể về hoạt động tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo…
Minh Hà