Cấm ngụy trang ghi âm, ghi hình: Hạn chế vai trò của báo chí
Cơ quan bảo vệ quốc gia mới được ngụy trang ghi âm, ghi hình
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan chức năng.
Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.
Cụ thể, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị. Điển hình là vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật…
Dự thảo quy định chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội mới được sử dụng ngụy trang ghi âm, ghi hình. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự Công ty Việt Hồng. Những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.
Trước thực tế trên, Bộ Công an khẳng định việc xây dựng, trình Chính phủ thông qua Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị là cần thiết.
Theo đó, dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương, 19 điều quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Đáng chú ý, dự thảo quy định chỉ các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an và thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc hai trường hợp trên thì phải được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.
Về nguyên tắc hoạt động và quản lý, chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.
Các cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong thời hạn không quá 5 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh.
Quy định vi hiến?
Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra, Uỷ viên Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, văn bản đang lấy ý kiến liên quan đến việc quản lý, điều tiết việc mua bán mặt hàng, thiết bị ghi âm, ghi hình. Hiện tại, các loại này bán trôi nổi trên thị trường nên cần thiết phải quản lý.
Theo ông Phan Hữu Minh từ trước tới nay, báo chí chống tiêu cực, ô nhiễm môi trường, cát tặc… đều bằng biện pháp báo chí và có sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật. Nếu cấm thật thì rất khó khăn cho việc tác nghiệp của nhà báo.
“Ban soạn thảo nên cân nhắc đến hiệu quả, hiệu lực và tính khả thi của Nghị định. Luật Báo chí mới thực hiện được 4 tháng 11 ngày. Luật Báo chí có 6 chương, 61 điều, thì có 13 điều cấm nhà báo làm theo qui định của pháp luật. Thế nhưng trong tất cả các điều cấm ấy không có điều nào nói rằng cấm dùng phương tiện quay phim, ghi hình” – ông Minh phân tích thêm.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí - Tuyên truyền, cho rằng về bản chất các sản phẩm công nghệ số (các thiết bị ghi âm ghi hình, định vị...) là những sản phẩm của xã hội phụ thuộc vào trình độ văn minh của người sử dụng. “Báo chí sử dụng các công nghệ đó để phản ánh nguyện vọng của người dân, giúp làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội là điều rất tốt. Nếu cấm báo chí sử dụng cái đó thì rõ ràng đi ngược lại với sự phát triển, hạn chế vai trò của báo chí”, PGS-TS Nguyễn Văn Dững phân tích.
Quy định cấm ảnh hưởng tới tác nghiệp của báo chí trong điều tra chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Văn Dững cũng cho rằng cơ quan soạn thảo đưa ra điều khoản chỉ có một số ít cơ quan chuyên trách sử dụng thiết bị ngụy trang là mang tính độc quyền. “Nếu vì mục đích an ninh quốc phòng thì các cơ quan chức năng phải sử dụng những thiết bị chuyên dụng riêng và họ phải có những trình độ đặc biệt để quản lý. Còn theo điều khoản trong dự thảo đã cấm một cách “đại trà” và để cho một số ít cơ quan được sử dụng thì tôi thấy không ổn trong cách thức quản lý”, ông Dững nói.
Luật sư (LS) Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư VN, phân tích: Hình thức, tên gọi và nội dung các điều khoản trong nghị định chứa đựng những mâu thuẫn, không bảo đảm tính thống nhất của một văn bản pháp luật.
Về nội dung nghị định cũng đã không tuân thủ nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật (điều 14 Hiến pháp 2013). Việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình... trong các máy điện thoại thông minh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đời sống hoặc thực hiện những mục đích tốt đẹp trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng đất nước là thuộc về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp và quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của bộ luật Dân sự.
Nếu công dân nào sử dụng các phương tiện này với mục đích xấu, làm ảnh hưởng hoặc xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì luật pháp đã có các chế tài áp dụng xử lý, tùy theo tính chất của hành vi vi phạm. “Quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị đó với mục đích lành mạnh, hợp pháp là một quy định vi hiến. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhà báo tác nghiệp báo chí, các LS hành nghề LS thì việc thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của luật Báo chí, luật Luật sư, các bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự... trong hành nghề sẽ bị cấm đoán bởi quy định đó. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tác nghiệp của họ”, LS Tâm nói.
Hải Đăng (t/h)