Cảm động những cuộc hội ngộ vội trên biên giới trong trận chiến chống dịch
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt trong hơn 3 tháng qua, với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, hiệp đồng chặt chẽ, đoàn kết, trách nhiệm sâu sát từ Trung ương đến tận tổ dân phố, thôn xóm, khu dân cư vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch COVID-19.
Cùng với nhân dân cả nước, các chiến sĩ nơi biên giới không chỉ có hiểm nguy, vất vả, mà còn có cả những cuộc hội ngộ thật đặc biệt. Đó là cảnh mẹ con gặp nhau trên chốt chống dịch, hay đôi vợ chồng trẻ cùng sát cánh trên một trận tuyến, cũng có đôi bạn trẻ cùng “hẹn ngày chiến thắng” để về chung một nhà…
Hình ảnh những bác sỹ, nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt ngay tại nơi làm việc khiến ai nấy không khỏi nao lòng và thêm trân trọng những công lao đóng góp của họ cho sức khỏe nhân dân. (Ảnh: TTXVN) |
Khi nào hết dịch mình về chung một nhà
Đối với bạn bè và người thân, Trung úy Nguyễn Quang Chánh, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Phú Lộc và cô gái Trần Thị Phương Thảo, nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu xứng đáng là cặp trai tài gái sắc. Quen nhau khi cùng tham gia làm nhiệm vụ chống dịch, bởi vậy, cả hai luôn động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, thách thức.
Cùng ở trong thành phố, thậm chí, khoảng cách chỗ làm việc chỉ vài cây số, nhưng vì luân phiên làm nhiệm vụ ở khu cách ly, nên suốt 4 tháng nay, Trung úy Phạm Quang Chánh và nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Thảo chỉ gặp nhau qua... điện thoại.
Trung úy Phạm Quang Chánh đã 2 lần xung phong vào làm nhiệm tại các khu cách ly tập trung.
Sau khi được “thay ca”, anh cùng các đồng đội khác tham gia trực tại các điểm chốt, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Còn Trần Thị Phương Thảo tuy vóc dáng nhỏ bé, nhưng không hổ danh là “chiến sĩ áo trắng”. Nữ điều dưỡng nhiều đêm thức trắng cùng đồng nghiệp truy vết hoặc lấy mẫu xét nghiệm ở “vùng đỏ”.
Đợt vừa rồi, Trần Thị Phương Thảo cũng xung phong tình nguyện làm nhiệm vụ tại Bệnh viện phổi Đà Nẵng - một trong các cơ sở y tế quan trọng của thành phố trong điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Trong mỗi câu chuyện của đôi bạn trẻ, đều là những lời động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chàng lính trẻ hẹn bạn gái, ngày thành phố bình an sẽ là ngày cả hai về chung một mái nhà.
Vợ chồng chung một trận tuyến nhưng chưa thể đoàn viên
Năm 2020, Trung úy Phạm Trọng Kiên xây dựng gia đình cùng Trung úy Hồ Thị Nguyên Hằng, là nhân viên Điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu V. Tuy nhiên, hạnh phúc của người lính thời bình chẳng hề giản đơn. Đám cưới xong, Trung úy Phạm Trọng Kiên lên đường làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Nam.
Kết thúc khóa huấn luyện, ngỡ được bắt đầu những ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, thế nhưng, thời điểm đó cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Đà Nẵng. Ngày đoàn viên cứ lần lữa bị hoãn lại vì dịch Covid-19. Tuổi trẻ nhiệt huyết, lần nào dịch bùng phát, Trung úy Phạm Trọng Kiêm cũng xung phong làm nhiệm vụ tại khu cách ly phòng, chống dịch của thành phố. Trung úy Hồ Thị Nguyên Hằng cũng không hề “kém cạnh”, thường xuyên bám trụ tại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Từ tình hình thực tế, lại thấy mình vẫn còn trẻ nên hai vợ chồng Trung úy Phạm Trọng Kiên và Hồ Thị Nguyên Hằng thống nhất việc quan trọng lúc này cần dành thời gian cho nhiệm vụ chống dịch. “Ngoài là vợ chồng, chúng tôi còn là đồng đội, không chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn cùng chung lý tưởng. Khó khăn, khoảng cách chỉ càng làm chúng tôi gắn bó, trân trọng nhau hơn” - Trung úy Phạm Trọng Kiên chia sẻ.
Để động viên các con yên tâm chống dịch, hai bên gia đình của Trung úy Phạm Quang Chánh và Trần Thị Phương Thảo đã gặp gỡ, thống nhất dù chưa tổ chức đám cưới nhưng đã coi là con, cháu trong nhà.
Đi đường vòng để ngắm nhìn con trực chốt
Dưới tiết trời 40 độ C, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị BĐBP thành phố Đà Nẵng vẫn kiên trì đứng kiểm tra giấy đi đường của người qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng).
Con trai của chị Hạnh là Binh nhì Phan Văn Gia Huy, làm nhiệm vụ tại chốt, trước Khu cách ly tại trường Tiểu học Lê Văn Tám hoặc Tiểu đoàn 29, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân.
Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh làm nhiệm vụ tại chốt trên đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Trúc Hà |
Những ngày này, chị Hạnh chọn đi đường vòng, từ chốt lên đường Điện Biên Phủ, qua đường Dũng Sĩ Thanh Khê, rẽ sang đường Lý Thái Tông rồi mới ra đường Nguyễn Tất Thành để về nhà để nhìn thấy con.
Nhìn con trai qua 5 tháng huấn luyện, lớn phổng phao và nước da màu nắng trông thật khỏe mạnh, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh mừng lắm. Mấy lần chị “đi đường vòng” để được nhìn thấy con nhưng lần nào cũng thế, con trai chỉ nói: “Mẹ cứ yên tâm. Con ở đây ổn lắm, mọi người cũng rất thương và quý mến con”.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, với hàng trăm nghìn ca nhiễm mới và hàng chục nghìn ca tử vong mỗi ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể mới của SARS-CoV-2 - biến thể Delta cũng đã xuất hiện ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra nhiều quan ngại với việc phòng, chống loại dịch này, bởi tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao và có khả năng kháng vaccine.
Trước thực tế đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục đề cao cảnh giác, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, siết chặt quản lý biên giới, đấu tranh, ngăn chặn triệt để hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.
Dù cuộc chiến chống lại dịch bệnh còn chông gai, con đường đi còn nhiều gian khó, tính mạng các “chiến sĩ áo ao trắng và áo xanh” đang rình rập và những hy sinh, thiệt thòi đó là để giúp chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh, an toàn cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Chỉ mong dịch bệnh sớm đẩy lùi, cuộc sống bình yên, phát triển cho nhân dân sớm trở lại!
Hỗ trợ vật tư y tế cho các đơn bị bảo vệ biên giới Lào chống dịch Trong ba ngày 10, 11 và 12-8, lực lượng chức năng đã tặng một số vật liệu xây dựng, vật tư y tế cho lực lượng bảo vệ biên giới của Lào để phòng, chống dịch COVID-19. |
“Siết chặt” biên giới để phòng, chống dịch covid-19 Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị BĐBP đã tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. |
Đắk Lắk: Xây dựng vành đai chống dịch trên biên giới Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài hơn 73km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trong khu vực, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trên biên giới ngày càng phức tạp. |