Cách mạng văn hóa TQ: Ai là tù nhân khó quản nhất nhà tù Tần Thành nổi tiếng?
Thảm trải sàn và vi cá mập
Theo tài liệu do báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo đăng tải, ngày 15/3/1960, nhà tù Tần Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc dưới sự viện trợ của Liên Xô được hoàn thành với bốn tòa nhà ba tầng được đánh số từ 201 tới 204.
Theo đó, ông Hà Điện Khuê - cựu Trưởng phòng quản giáo nhà tù Tần Thành cho biết, trong bốn tòa nhà thì tòa 201 có điều kiện cơ sở kém nhất, tòa 204 lại có "đãi ngộ vượt quá sức tưởng tượng".
Mỗi phòng trong tòa 204 rộng hơn 20m2, sàn nhà trải thảm, kê thêm ghế sofa làm giường ngủ. Tiêu chuẩn thực phẩm áp dụng tương ứng với cấp Bộ trưởng, tất cả được vận chuyển từ "điểm cung ứng cho cán bộ cấp cao" ở Đông Hoa Môn, Bắc Kinh.
Ông Hà Điện Khuê. Ảnh: Chinanews
Tại tòa 204, sữa được dùng cho bữa sáng, hai món rau và một món canh, một quả táo cho bữa trưa. Táo được cất vào kho đông lạnh, đặt trong cám gạo để bảo quản. Ngoài ra, các phạm nhân còn được phát một hộp đồ uống pha sẵn. Mỗi ngày đều như nhau, ngay cả thời điểm khó khăn cũng không thay đổi.
Đặc biệt, đầu bếp nấu ăn cho tòa 204 là Lưu Gia Hùng - đầu bếp nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc được điều chuyển từ Bắc Kinh tới nhận nhiệm vụ. Ông Hà kể lại, chỉ có đầu bếp Lưu Gia Hùng mới được quyền chế biến, phân phát hải sâm và vi cá mập.
Mỗi suất ăn tại tòa 204 gồm một hộp cơm bốn tầng, lần lượt là cơm, hai món rau và canh. Mùa đông được bọc bằng lớp giữ nhiệt, Màu sắc mỗi hộp cơm không giống nhau để tiện phân biệt. Tất cả có 15 khẩu phần ăn.
Theo Hà Điện Khuê, nhóm phạm nhân "nguy hiểm" đầu tiên, được liệt vào danh sách "giám sát đặc biệt" tại nhà tù Tần Thành khi đó gồm 8 người như: cựu Bộ trưởng Bộ Tổ chức trung ương Nhiêu Tấu Thạch, Phó Thị trưởng Thượng Hải Phan Hán Niên v.v... Thời gian sau, có thêm bảy phạm nhân khác được chuyển đến tòa 204.
Ông Hà cho biết, tuy bị giam cùng một tòa nhưng các phạm nhân này đều không biết mặt nhau, mỗi lần được ra ngoài đi dạo cũng lệch giờ nhau, tránh chạm mặt. Các binh sĩ canh gác cũng chỉ biết số hiệu của mỗi phạm nhân.
Người duy nhất nắm rõ thân phận của những phạm nhân này, ngoài lãnh đạo nhà tù, chỉ có Hà Điện Khuê - người quản lý tòa giam 204.
"Tù nhân đặc biệt"
Phan Hán Niên. Ảnh: 163
Ngày 3/4/1955, Phó Thị trưởng Thượng Hải Phan Hán Niên (1906 - 1977) được bí mật đưa đến nhà tù Công Lâm Đức với tội danh "gián điệp". Sau này, khi nhà tù Tần Thành hoàn thiện, Phan Hán Niên được chuyển đến sinh hoạt tại tòa 204.
Theo lời kể của Hà Điện Khê, nhóm binh sĩ giám sát Phan Hán Niên đều không phải là các quản giáo của nhà tù mà được điều đến bằng xe chuyên dụng từ Bắc Kinh. Đặc biệt, cả khu biệt giam chỉ giam giữ một mình Phan Hán Niên và luôn có hai quản giáo canh giữ.
Khi đó, cũng chỉ có một đường duy nhất đi đến khu biệt giam và cũng chỉ có mình Hà Điện Khuê được vào khu giam giữ Phan Hán Niên.
Sau này, mỗi lần đưa Phan đi lấy khẩu cung đều được giám sát vô cùng nghiêm ngặt. Việc lấy khẩu cung không diễn ra ở phòng thẩm vấn thông thường mà là phòng hội nghị và được ngồi trên ghế sofa. Cán bộ lấy khẩu cung thường là một Cục trưởng trong Bộ Công an Trung Quốc bấy giờ.
Theo ông Hà, Phan Hán Niên thường giữ im lặng trong suốt các buổi hỏi cung, mãi sau này khi Thứ trưởng Bộ Công an Từ Tử Vinh hứa đảm bảo tính mạng, Phan mới bắt đầu nói chuyện.
Hà kể lại, Phan Hán Niên là người vô cùng thận trọng và dường như không bao giờ thay đổi sắc diện. Phan sống cũng rất quy củ, sau bữa tối sẽ lên giường ngồi thiền khoảng một giờ đồng hồ. Ban đầu, mới gặp tình huống này, các quản giáo còn nghĩ ông chết liền đi báo cáo Hà Điện Khuê.
Từ năm 1963 đến 1964, các tù nhân tòa 204 dần được phóng thích. Phan Hán Niên khi đó được chuyển đến khu gia đình của nhà tù Tần Thành. Tại đây, Phan thường có thói quen đi câu cá và tản bộ. Ông qua đời năm 1977 tại lâm trường cải tạo ở Hồ Nam. Mãi đến năm 1982, ông mới được phục hồi danh dự.
Tù nhân khó quản nhất
Ngày 26/4/1975, Hà Điện Khuê được giao nhiệm vụ quản lý "đại nhân vật" - Tổ trưởng Tiểu tổ cải cách văn hóa trung ương Trần Bá Đạt.
Theo Hà Điện Khuê, Trần Bá Đạt được coi là nhân vật vô cùng đặc biệt trong nhà tù Tần Thành bởi ông này thư ký đầu tiên trong đội ngũ năm vị thư ký của nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Hơn nữa, tuổi tác đã cao, cấp trên yêu cầu tuyệt đối đảm bảo an toàn cho Trần.
Trần Bá Đạt (đeo kính, giữa) trong một phiên xét xử. Ảnh: 163
Lãnh đạo nhà tù Tần Thần khi đó lệnh, Hà Điện Khuê phải đáp ứng mọi nhu cầu của Trần nhằm bảo vệ "nhân chứng sống".
Hà Điện Khuê kể lại, Trần Bá Đạt được sắp xếp sinh hoạt ở tầng hai toàn 204 với hai binh sĩ canh gác ngày đêm.
Đáng chú ý, trong thời gian bị giam giữ, Trần thường tỏ vẻ bất mãn bằng cách đập đầu vào tường, buộc Hà Điện Khuê phải chuyển đến sống ở phòng kế bên, cạnh phòng giam của Trần để thuận tiện cho việc giám sát.
Đến năm 1976, Trần Bá Đạt tiếp tục gây khó dễ cho các quản giáo nhà tù Tần Thành. Trần khi đó nói rằng đôi chân đau không thể đi được, ngày ngày phải bò đến phòng vệ sinh.
Hà Điện Khuê đoán rằng, Trần chỉ làm bộ nên đã mời một bác sĩ họ Vương đến thăm khám và nói rằng, nếu không chăm chỉ luyện tập sẽ bị liệt vĩnh viễn. Lúc này Trần mới hỏi xin cấp cây gậy để tiện chống đỡ.
Theo Hà Điện Khuê, Trần gây khó dễ cho các quản giáo cũng chỉ là muốn thu hút sự chú ý.
Hà Điện Khuê cho biết thêm, đến tháng 9/1979, sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, Trần Bá Đạt luôn ôm hy vọng, bà Giang Thanh sẽ sớm giúp ông ra tù. Tuy nhiên, sau này, khi Cách mạng văn hóa Trung Quốc kết thúc, chính bà Giang cũng bị giam giữ trong nhà tù Tần thanh và bị kết án tử hình.
Thủy Thu