Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết theo đúng phong tục không phải ai cũng biết
Sau khi đưa ông Táo về trời đến ngày 30 Tết, các gia đình sẽ lau dọn bàn thờ, bày mâm ngũ quả để cúng mời ông bà về ăn Tết với con cháu.
Theo TS Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Tết cận kề, nhà nào cũng lau dọn bàn thờ sạch sẽ, các lư đồng được mang đi đánh bóng để sạch sẽ bụi bẩn của năm cũ, chào đón một năm mới sáng láng hơn.
Mâm ngũ quả thể hiện được tấm lòng thành kính, tri ân của con cháu với ông bà tổ tiên, đất trời. Ảnh minh họa |
Theo TS Lộc, hiện vẫn còn một số gia đình lau dọn bàn thờ bằng cách nấu nước ngũ vị hương vẩy nước lên bàn thờ, trong bếp để tẩy uế. Công việc lau dọn bàn thờ có thể mở đầu bằng việc chùi rửa và đánh bóng lư đồng, thay bát nhang, làm sạch bàn thờ, không để vướng bụi.
Riêng tượng Phật, tượng ông Địa, ông Thần tài thì được "tắm" bằng rượu để thơm tho, thanh tẩy bụi bặm.
Việc lau dòn bàn thờ phải được thực hiện với thái độ tôn trọng, bát hương phải để yên một chỗ không được bê lên bê xuống làm mất sự tôn nghiêm, tôn kính, kể cả tượng Phật, trừ khi thấy quá bụi mới bê xuống để lau chùi.
Khi sắp xếp bàn thờ, TS Dương Hoàng Lộc lưu ý mọi người cần nhớ nguyên tắc "đông bình, tây quả". Tức là đứng hướng bàn thờ nhìn ra rồi để bình bông ở tay phải, mâm ngũ quả để bên trái.
Ông Hoàng Triệu Hải - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương cho biết thêm, về nguyên tắc, bát hương lư trầm bằng đồng phải để phía trước ban thờ, hai con hạc ở hai bên, chứ không phải để phía sau bát hương. Phía sau bát hương chỉ để bài vị hoặc là ngai, có thể có ảnh bài vị cạnh bát hương, ảnh của ông cha tổ tiên.
Sau bát hương là mâm bồng ngũ quả, có thể để 1 mâm ở giữa hoặc 2 mâm ở bên, 5 chén nước để ở ngoài cùng, 2 bên ban thờ là 2 chân đèn để nến.