Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài muốn được gây quỹ tại Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, ông Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan, đã thay mặt hơn 100 tổ chức PCPNN trong lĩnh vực y tế chia sẻ thông tin về hoạt động và đóng góp của các tổ chức trong giai đoạn 2014 - 2019.
Theo số liệu thống kê của PACCOM, tổng giá trị giải ngân của các tổ chức PCPNN đầu tư cho các dự án y tế và chăm sóc sức khỏe trong 5 năm qua đạt hơn 487 triệu USD và có giảm nhẹ. Số tổ chức PCPNN có dự án hỗ trợ y tế không thay đổi, từ 2014 đến 2018 đều có khoảng 150 tổ chức. Điều này cho thấy tính cam kết cao của các tổ chức PCPNN trong hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Hỗ trợ trong lĩnh vực y tế của các tổ chức PCPNN có mặt ở tất cả 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Về tổng vốn đầu tư, tập trung nhiều ở Đông Nam bộ (gần 227 triệu USD chiếm 46% tổng giá trị giải ngân) và Đồng bằng sông Hồng (gần 13 triệu USD - chiếm 12% tổng giá trị giải ngân).
Tây Nguyên là khu vực có số dự án ít nhất, và cũng là nơi có tổng giá trị giải ngân thấp nhất so với các vùng khác. Đây là điểm hạn chế trong việc phân bổ nguồn và xác định ưu tiên hỗ trợ vì khu vực Tây Nguyên luôn là địa bàn nơi người dân có cuộc sống khó khăn, điều kiện chăm sóc y tế còn rất hạn chế, do đó Tây Nguyên nên là nơi thu hút được nhiều nguồn hỗ trợ phù hợp.
Ông Phạm Dũng cũng đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả hỗ trợ PCPNN trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, cải thiện, đơn giản hóa hơn nữa, quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn, hạn định liên quan đến quy trình, quy định xử lý về đơn đề nghị giấy phép hoạt động, phê duyệt dự án, tổ chức triển khai thực hiện những quy định liên quan đến việc hoàn thuế VAT.
Đồng thời, tạo thêm các diễn đàn thảo luận chính sách và chia sẻ thông tin hai chiều giúp các tổ chức PCPNN có thể tham gia vào quá trình xây dựng các kế hoạch, chiến lược. Song song với đó, tăng cường phối hợp liên ngành trong hợp tác với tổ chức PCPNN trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe do vấn đề về y tế không chỉ liên quan đến Bộ Y tế mà còn nhiều bộ ngành khác.
Ông Phạm Dũng cũng nhấn mạnh Chính phủ nên nghiên cứu chính sách và xây dựng cơ chế để các tổ chức PCPNN có thể gây quỹ tại Việt Nam, hay có thể tham gia đấu thầu các dự án từ các nguồn hỗ trợ của các nhà tài trợ cho Việt Nam thông qua các hình thức hỗ trợ chương trình, hỗ trợ ngân sách bởi các tổ chức PCPNN có năng lực kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án.
Ngoài ra, chính các tổ chức PCPNN cũng cần tăng cường tìm kiếm cơ hội và cùng hợp tác giải quyết những vấn đề cùng quan tâm để tăng cường hiệu quả hỗ trợ, tránh chồng chéo, lãnh phí nguồn lực.
Bộ Y tế đã xây dựng và duy trì cơ chế đối thoại, chia sẻ thông tin thông qua Nhóm đối tác Y tế nhưng các tổ chức còn chưa chủ động tham gia và chưa có được tiếng nói đại diện như mong đợi. Các tổ chức PCPNN cần trao đổi với Bộ Y tế để tìm giải pháp thúc đẩy sự tham gia và đóng góp nhiều hơn của tổ chức PCPNN trong nhóm này.
Các đại diện các tổ chức PCPNN hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng đưa ra mong muốn đơn giản hóa quy định, quy trình, thủ tục giấy tờ; xây dựng cơ chế cho phép tổ chức PCPNN gây quỹ trong nước. Đồng thời nhất trí cần tăng cường phối hợp giữa các tổ chức PCPNN, chia sẻ thông tin với nhau, tránh tình trạng dự án bị chồng chéo, trùng lặp tại địa phương, gây lãnh phí nguồn lực.
Đại diện tổ chức PCPNN nêu ý kiến tại hội thảo. |
Chiều cùng ngày, Hội thảo chuyên đề về Môi trường, ứng phó biến đối khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp cũng diễn ra.
Tại đây, đại diện của Cục Biến đối Khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đều nhấn mạnh tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Cụ thể, trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm từ 1 đến 1,5% GDP.
Mặc dù vậy nhưng nguồn lực dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn tài chính từ hỗ trợ quốc tế còn chưa rõ ràng, và có xu hướng dành cho các nước kém phát triển nhất.
Theo đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) ông Hoàng Việt, hiện nay có 75 tổ chức PCPNN làm việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, biến đối khí hậu và ứng phó với thiên tai, với tổng kinh phí 80 triệu USD cho các dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và 70 triệu USD cho các dự án biến đổi khí hậu.
Ông khẳng định Chính phủ đã có định hướng nhất quán và mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu nên tạo điều kiện tốt cho tổ chức PCPNN triển khai dự án và hoạt động như phê duyệt dự án, đồng ý tổ chức sự kiện, chủ động tham gia vào các diễn đàn đối thoại...
Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) đã ký kết thỏa thuận hợp tác năm 2013 và 2019 với Bộ TN&MT đã tạo điều kiện tốt trong thúc đẩy chia sẻ thông tin và tăng cường tham gia vào các hoạt động vận động chính sách.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, ứng phó với biến đổi khí hậu cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành nhưng sự kết nối liên ngành chưa thật sự chặt chẽ nên dự án của các tổ chức PCPNN thường chỉ phối hợp được với một cơ quan chủ quản gây khó khăn trong việc phối hợp đa ngành, tăng hiệu quả và tác động của dự án. Do đó, các cơ quan ban ngành nên tăng cường chia sẻ thông tin và tạo cơ hội cho các tổ chức PCPNN tham gia nhiều hơn vào các chương trình quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phản biện, giám sát đánh giá.
Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (COMINGO) và Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) - đầu mối trong quan hệ và vận động viện trợ PCPNN, nên tổ chức các diễn đàn thường xuyên hơn và hỗ trợ kết nối với các ban ngành để thúc đẩy hợp tác./.