Các nhà khoa học uống bia xanh ăn mừng sau khi tìm ra cách làm phẩm màu có nguồn gốc thiên nhiên
Trong quá khứ, chúng ta thường sử dụng phẩm màu để làm thực phẩm trông bắt mắt hơn, nhưng không phải ai cũng thích loại hóa chất này và nó còn liên quan đến những trường hợp bị dị ứng.
Một sản phẩm thay thế có nguồn gốc thiên nhiên từ tảo xoắn đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng vào năm 2013. Mới đây, nó đã có thể sản xuất với số lượng công nghiệp nhờ một nghiên cứu mới giúp tìm ra cách tăng sản lượng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle ở Anh và Trung tâm Năng lượng sinh học Scotland đã chiếu vào tảo xoắn một tần số ánh sáng đặc biệt giúp nó tiết ra được nhiều hơn sắc tố xanh, còn được gọi là phycocyanin.
“Nhu cầu về phycocyanin đã tăng lên một cách nhanh chóng bởi người dân muốn loại phẩm màu có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải nhân tạo, nhưng hiện nay những chất tự nhiên vẫn rất đắt đỏ”, nhà nghiên cứu Chelsea Brain nói.
Thực chất, màu xanh trong tự nhiên là một màu khá hiếm, phần lớn nó được tạo ra bằng cách phân tách ánh sáng chứ không phải bằng các sắc tố.
Ví dụ, màu xanh của mắt người là do những sóng ánh sáng dài màu xanh bị phân tách bởi những mô trong suốt của giác mạc. Màu xanh của cánh bướm được tạo ra do những hạt bụi nhỏ làm khúc xạ ánh sáng và tạo ra màu xanh lấp lánh. Thậm chí, màu xanh của quả việt quất cũng được tạo ra từ một loại sắc tố màu tía gọi là anthocyanin.
Nhóm các protein trong thực vật được gọi là phycocyanin là một trong số ít những ví dụ về loại hóa chất trong tự nhiên có thể hấp thụ bước sóng dài màu cam, màu đỏ và phản chiếu bước sóng ngắn màu xanh.
Phycocyanin được gọi là sắc tố bổ sung, một phức hợp gồm các protein hoạt động với chất diệp lục để thu thập ánh sáng và sử dụng để tạo ra năng lượng dưới dạng phân tử glucose.
Loại sắc tố này không độc đối với con người và có thể hòa tan trong nước, trở thành một chất nhuộm thực phẩm hữu dụng. Chúng ta hay có tâm lý ưa chuộng sản phẩm thay thế có nguồn gốc từ thiên nhiên, vì vậy mà nhu cầu phycocyanin giờ đã vượt quá mức cung.
Để có thể tạo ra được nhiều sắc tố này, các nhà nghiên cứu đã cho tảo xoắn thực hiện một chế độ “ăn uống” đặc biệt. Tảo xoắn được chiếu ánh sáng đỏ với những quang phổ chính xác, làm cho các protein phải tối đa hóa khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng.
“Chúng tôi có thể tạo ra gấp 5 lần lượng sắc tố xanh bằng cách sử dụng ánh sáng đỏ có bước sóng dài, điều này giúp giảm bớt chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả”, Brain nói.
Và câu hỏi đầu tiên là gì?
Đó là liệu chất tạo màu mới này có thể hòa được với bia hay không. Rõ ràng, cái viễn cảnh của những bom bia xanh lá “đúng chất Thánh Patrick” đang hiện rõ trước mắt mọi người. Bằng việc thêm sắc tố phycocyanin xanh vào bia vốn đã có màu vàng, sinh viên Đại học Newcastle đã tạo ra được thứ bia có màu hòa hợp với sắc xanh của gần như mọi thứ khác.
Và tất cả cùng thưởng thức loại bia màu sắc độc nhất vô nhị kia để ăn mừng.
Tham khảo Sciencealert
Nguyễn Tuấn Tài