Các nhà khoa học đề xuất giải pháp đột phá đưa TP HCM phát triển
Chiều 9/3, UBND TPHCM phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo đề án “Cơ chế chính sách đột phá để TPHCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước. Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học và đại diện các viện, trường, lãnh đạo các nhóm nghiên cứu kinh tế xã hội cao cấp đã góp ý, hiến kế để đưa thành phố mang tên Bác phát triển.
Hàng trăm nhà khoa học hiến kế để giúp TP HCM phát triển thành đô thị lớn nhất cả nước
Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề như: đánh giá thực trạng phát triển TPHCM trong giai đoạn vừa qua, nhấn mạnh khía cạnh so sánh quốc tế; phân tích, xác định nguyên nhân thực trạng, chú trọng làm rõ các nguyên nhân hạn chế, gắn với tầm nhìn, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển; đề xuất, thảo luận các giải pháp đột phá phát triển TPHCM trong giai đoạn tới; trên cơ sở xác định tầm nhìn, cơ chế, chính sách phát triển vượt trội cho thành phố, trong thế liên kết vùng và cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Góp ý tại hội thảo, TS. Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng TPHCM có nhiều tiềm năng và lợi thế vượt lên để nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra. Trong những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức của TPHCM trong 20, 30 năm tới, cần ưu tiên lựa chọn khâu đột phá. Cụ thể là rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng để thay đổi mô hình tăng trưởng của các lĩnh vực ưu tiên và bảo đảm tính bền vững cho toàn bộ nền kinh tế. Thứ hai, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch phân bố không gian của Thành phố nằm trong mối liên kết với vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ. Và cuối cùng là phải xây dựng cho được đề án cải cách thể chế quản trị siêu đô thị TP HCM.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM, TPHCM chỉ có thể đột phá nếu như Trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế và Thành phố thiết lập được cơ chế hợp tác và liên kết vùng hiệu quả. Nếu không cải cách toàn diện được thì nên tận dụng triệt để dư địa chính sách, đồng hành với doanh nghiệp, thử nghiệm chọn lọc một số cải cách đột phá và yêu cầu Trung ương công bằng về thu, chi ngân sách.
Ông Vũ Thành Tự Anh góp ý thêm: “Một trong những nguyên nhân quan trọng khác làm cho TPHCM chưa thể tìm được các chiến lược phát triển hợp lý và hình thành mục tiêu dài hạn là cho chưa có cơ chế hay chưa tập hợp được đội ngũ trí thức và các doanh nhân đông đảo ở Thành phố cũng như những người luôn trăn trở cho sự phát triển của Thành phố ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nói một cách khác, đội ngũ trí thức chưa trở thành “bộ não” để cùng với lãnh đạo cùng trăn trở nghĩ về tương lai dài hạn của Thành phố, các doanh nhân chưa được xem là người tiên phong trong việc thực hiện các sáng kiến hay ý tưởng mới cho phát triển kinh tế, mở rộng các hoạt động kinh doanh”.
TS. Trần Du Lịch cho rằng TPHCM nên kiến nghị Chính phủ xây dựng một nghị định phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho TPHCM theo tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bao gồm các lĩnh vực quản lý Nhà nước chủ yếu trên địa bàn. Trong đó ưu tiên về thể chế tài chính công; quản lý đô thị và tổ chức bộ máy hành chính địa phương theo tinh thần Nghị quyết 20 và 16 của Bộ Chính trị về TPHCM.
“Để thực hiện việc này nên đề nghị Chính phủ lập Tổ công tác xây dựng Nghị định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi ban hành. Dù là Nghị định nhưng sẽ mang tính chất như một đạo luật cho Thành phố”, TS. Trần Du Lịch nói.
Minh Hà (t/h)