Các cấp công đoàn tăng cường bảo vệ quyền lợi của người lao động
Đây là một trong những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 10b/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI về nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong giai đoạn 2017-2022, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn.
Cán bộ công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM. tặng quà cho công nhân khó khăn do Covid-19 (Ảnh: NLĐ). |
Trong quá trình tham gia ý kiến về xây dựng chính sách, pháp luật, phát huy vai trò đại diện người lao động, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các cuộc tiếp xúc, điều tra, khảo sát; tích cực cung cấp, phản ánh, trao đổi thông tin, thể hiện quan điểm tại các diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số nội dung đề xuất của tổ chức công đoàn đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, được đại bộ phận người lao động và dư luận xã hội, ủng hộ như: Giữ nguyên giới hạn về giờ làm thêm tối đa trong năm, quy định rõ vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; mở rộng các phương thức giải quyết tranh chấp lao động; đưa vào Nghị quyết kỳ họp Quốc hội vấn đề giảm thời giờ làm việc bình thường trong tuần theo hướng giao Chỉnh phủ đề xuất...
Bên cạnh đó, công đoàn các cấp đã tích cực tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chủ động cùng với chính quyền địa phương tham gia xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách quyết liệt, kịp thời, đúng mục tiêu vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng được các cấp công đoàn chú trọng, tập trung vào các nội dung mới, quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động.
Giai đoạn 2018-2022, Tổng Liên đoàn đã chủ trì, tham gia hơn 20 đoàn giám sát liên ngành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giám sát gần 100 đơn vị thuộc các loại hình doanh nghiệp.
Hiện nay hệ thống công đoàn đã thành lập 13 trung tâm, 42 văn phòng, 26 tổ tư vấn pháp luật; 62/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, 17/20 công đoàn ngành Trung ương thành lập trung tâm, văn phòng hoặc tổ tư vấn pháp luật. Triển khai thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động tại một số địa phương, đơn vị có nhiều doanh nghiệp, đông người lao động.
Qua 5 năm triển khai, các cấp công đoàn đã có sự phối hợp chuyên môn với các cơ quan chức năng trong công tác tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; hỗ trợ cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp và hướng dẫn công đoàn cơ sở nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, tăng cường giám sát việc chấp hành quy định pháp luật, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công trái pháp luật.