Cà phê của Việt Nam có bị Luật Chống phá rừng của EU gây khó?
Xuất khẩu cà phê vào châu Âu có bị Luật Chống phá rừng của làm khó?
Gần đây EU ban hành Luật Chống phá rừng, trong đó đưa ra yêu cầu tất cả những sản phẩm xuất khẩu đặc biệt từ nông nghiệp, gồm: cà phê, ca cao và đậu nành... ở các nước đi vào EU phải thỏa mãn yêu cầu không phá rừng và không làm cho rừng suy thoái.
Để thực thi các quy định mới này, tất cả các công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu đưa những mặt hàng trên vào thị trường EU, nếu không, họ có thể phải đối mặt với những khoản tiền phạt nặng. Cụ thể, các công ty xuất khẩu bị phát hiện vi phạm luật có thể bị phạt tới 4% doanh thu hàng năm của họ tại EU.
Hiện EU là khối thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam cho nên việc ban hành quy định trên làm giấy lên lo ngại cho doanh nghiệp về việc cà phê của Việt Nam bị EU đưa vào tầm ngắm và có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu vào khối thị trường này.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, Luật Chống phá rừng của EU không đáng ngại bằng việc giá bấp bênh, lợi nhuận thấp khiến nhiều nông dân Tây Nguyên chặt bỏ vườn cà phê chuyển sang cây trồng khác cho kinh tế cao hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cao cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, dù EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam nhưng Luật Chống phá rừng sẽ không ảnh hưởng cho dù họ đưa cà phê của Việt Nam vào tầm ngắm.
Để lý giải ông Nam cho biết, cây cà phê của Việt Nam đã được trồng từ rất lâu và thời gian gần đây, nông dân Tây Nguyên không mở mới diện tích. Trái lại, bây giờ họ có xu hướng chặt vườn cà phê chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là cây sầu riêng, khiến diện tích cà phê đang giảm dần.
Giá bấp bênh, lợi nhuận thấp khiến nhiều diện tích cà phê mất dần
Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp cho biết, năm 2022, diện tích cà phê đạt khoảng 710.000 ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê cả nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do lợi nhuận từ trồng cà phê không cao so với một số cây trồng khác, cộng với giá cả bấp bênh khiến diện tích cà phê ở Tây Nguyên đang mất dần.
Theo ông Phó chủ tịch Vicofa, hiện nay mỗi năm cà phê cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha, trong khi sầu riêng cho lợi nhuận lên đến hàng tỷ trong đồng/ha.
"Việc hiệu quả kinh tế thấp là nguyên nhân chính khiến cây cà phê đang mất nhanh diện tích, làm cho bài toán diện tích cà phê trở nên khó hơn. Do đó, vấn đề của cây cà phê không phải lo EU đưa vào tầm ngắm mà là cây cà phê đang bị mất diện tích bởi các cây trồng khác có kinh tế cao hơn, đặc biệt là cây sầu riêng”, Phó chủ tịch Vicofa nhận định.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 342,3 ngàn tấn, trị giá 745,28 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 2.177 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023, gồm: Đức, Ý, Hoa Kỳ, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Algérie, Hà Lan và Mexico. Đáng chú ý, trong top 10 này có đến 5 nước thuộc EU. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Tây Ban Nha trong năm 2022, đạt 113,55 nghìn tấn, trị giá 287 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và tăng 78,9% về trị giá so với năm 2021. Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha từ thế giới tăng từ 27,53% trong năm 2021 lên 30,16% trong năm 2022. |