Cà Mau: Tìm giải pháp hữu hiệu ứng phó với sạt lở bờ biển
Có nơi sạt lở đến 80m/năm
Tỉnh Cà Mau giống như một bán đảo bởi có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254km. Trong những năm gần đây, địa phương này liên tục bị sạt lở bờ biển với trên 80% tổng chiều dài. Qua quan trắc, ở biển Tây, tốc độ sạt lở trung bình từ 20-25m/năm, có một số vị trí lên đến 50m/năm. Ở biển Đông, sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, trung bình từ 45-50m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 80m/năm. Sạt lở không chỉ cuốn mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ, mà còn lấy đi sinh kế, tác động tiêu cực đến đời sống người dân vùng ven biển.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Quẩn, ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Người đàn ông này đã phải đối diện với nguy cơ mất nhà lần thứ hai vì sóng biển đánh tan tác bờ biển. Đứng trước biển, anh bảo, nhà anh trước đây ở mãi ngoài xa, cách chỗ anh đứng bây giờ khoảng hơn 100m. Sóng đánh dữ quá, tan cả nhà. Anh phải lùi vào sâu trong bờ ở. Vậy mà, đến nay, biển chỉ còn cách ngôi nhà hiện tại của anh khoảng 10m. “Mỗi năm sóng biển đánh lấn vào bờ tới 30m gây sạt lở trầm trọng cho khu vực này. Chúng tôi ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sóng biển cướp mất nhà. Việc làm ăn ngày càng khó khăn do biển cạn kiệt cá tôm” - Anh Quẩn chia sẻ với chúng tôi, ánh mắt buồn buồn.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở diễn tiến ngày càng trầm trọng tới mức nguy hiểm. Bờ biển Đông có chiều dài xói lở nguy hiểm khoảng 48km, trong đó, sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29km, tập trung trên địa bàn xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn; xã Đất Mũi, thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Đối với bờ biển Tây, sạt lở hầu như rất nguy hiểm với chiều dài 57km, trong đó có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét.
Tình hình sạt lở bờ biển Tây ngày càng nguy cấp hơn, những dãy rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là vào mùa mưa bão, gió Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao. Cao điểm là vào đầu tháng 8-2019, sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường dâng cao gây ra tràn và sạt lở hơn 7,5km đê biển Tây. Tiếp đến, mùa mưa bão năm 2020, chỉ trong 1 tháng đã xảy ra liên tiếp 6 cơn bão, gây sạt lở trầm trọng gần 10km bờ biển Tây, trực tiếp ảnh hưởng đến hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển và gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng nhiều giải pháp ngăn sạt lở
Từ thực tế cuộc sống, anh Quẩn cho rằng, để ngăn biển không tiến sâu thêm vào đất liền ở Đất Mũi thì cần có kè chắn sóng. Đó cũng được coi là một trong những giải pháp để ứng phó với triều cường và sạt lở bờ biển, tuy nhiên, tính hiệu quả vẫn cần kiểm chứng trong thực tế.
Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Cà Mau đã chọn và áp dụng rất nhiều giải pháp để khắc phục sạt lở từ những giải pháp phi công trình tới giải pháp công trình. Mỗi giải pháp đều có những ưu, nhược điểm khác nhau và phù hợp với mỗi vùng đất khác nhau. Bên cạnh những giải pháp xử lý tạm thời như gia cố bằng đá hộc, rọ đá, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn..., còn có các giải pháp xử lý cơ bản hơn, căn cơ hơn như kè 2 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi, được đúc kết kinh nghiệm từ những giải pháp trước đây.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã thực hiện các giải pháp này với tổng chiều dài trên 53km ở cả bờ biển Tây và bờ biển Đông, tổng kinh phí thực hiện trên 1.700 tỷ đồng. Kết quả, tính đến thời điểm hiện nay, đê biển Tây vẫn đảm bảo ổn định, không bị vỡ đê, mặc dù đê biển luôn bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, giải pháp công trình kè 2 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi đã và đang phát huy rất hiệu quả trong việc khắc phục sạt lở, khôi phục rừng phòng hộ ven biển.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng ứng dụng nhiều giải pháp xử lý sạt lở khác như đê trụ rỗng. Đối với sạt lở tuyến đê từ Kênh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đến Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, đã gia cố chân kè bằng 2 lớp rọ đá; gia cố mái bằng rọ đá đặt trên lớp lọc vải địa kỹ thuật. Mái kè được kết nối với mặt đê hiện hữu bằng lớp đá lát khan dày. Đối với những vị trí sạt lở còn rừng phòng hộ thì dùng giải pháp trải thảm đá khan. Tỉnh Cà Mau cũng thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời các sự cố sạt lở đê biển.
Về lâu dài, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, tỉnh Cà Mau xác định quy hoạch sản xuất cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung kinh phí cho tỉnh Cà Mau xử lý cấp bách các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Vụ sat lở ở Trà Leng: Nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường tiếp cận vùng bị nạn
Hiện tại, các lực lượng Quân khu 5 và người dân địa phương tiếp tục khảo sát đường vào, phải thông cho bằng được đường bộ để vào thôn 1 xã Trà Leng nhằm đưa cơ giới vào tìm kiếm các nạn nhân.
|
Quảng Trị: Sạt lở bãi tắm biển Gio Hải, chín nhà quán bị sập
Sáng 29-10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã đến kiểm tra vụ sạt lở chưa từng có vừa xảy ra tại bờ biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh, trong đó nặng nhất tại khu vực bãi tắm làm đổ sập chín nhà quán.
|
Phú Thọ: Mưa lớn, sạt lở đất 9 người thương vong
Do mưa lớn và sạt lở đất từ đêm hôm qua và sáng hôm nay, ở Phú Thọ đã có tới 2 người tử vong và 7 người bị thương, danh tính của các nạn nhân đã được xác định.
|