Bước tiến mới trong phương pháp sử dụng virus nhân tạo để tiêu diệt tế bào ung thư
Các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã tạo ra một loại virus có thể kích hoạt một chức năng đặc biệt của hệ thống miễn dịch giúp điều trị một số loại ung thư nhất định.
Phát hiện này mới được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 26/5 vừa qua, nó cũng là phần mới nhất trong một chuỗi các phương pháp miễn dịch trị liệu nhằm hướng đến việc khai thác hệ thống miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư. Mặc dù hệ miễn dịch phản ứng rất mạnh mẽ đối với các loại nhiễm trùng thông thường, nhưng đối với ung thư, hệ miễn dịch lại khá “nhẹ tay”.
“Chúng tôi đã thiết kế một con virus để nó có thể kích hoạt hệ miễn dịch phản ứng một cách mạnh mẽ”, Doron Merkler, giáo sư về bệnh học và miễn dịch học tại Đại học Geneva, người có tham gia vào nghiên cứu. “Khi chúng tôi so sánh nó với các loại virus khác, thì chúng không có khả năng để kích hoạt kiểu phản ứng miễn dịch này.”
Hơn nữa, Merkler và đồng nghiệp là Daniel Pinschewer từ Đại học Besel tin rằng, loại virus của họ sẽ trực tiếp điều kiển hệ miễn dịch không tấn công virus, mà tấn công bất kỳ tế bào nào có các đặc trưng của tế bào ung thư.
Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã thiết kế ra một loại virus dựa trên virus lymphocytic choriomeningitis (LCMV) được tìm thấy ở loài gặm nhấm và con người, bao gồm cả một protein đặc biệt chỉ được tìm thấy trên các tế bào ung thư. Loại virus nhân tạo này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch không chỉ chống lại các protein của virus, mà nó còn đặc biệt tìm kiếm những protein có nguồn gốc từ tế bào ung thư.
Trong các thử nghiệm với chuột, hệ miễn dịch của chúng đã giải phóng một “đội quân mạnh mẽ của các tế bào T-lymphocyte gây nhiễm độc tế bào, hay còn gọi là sát thủ tế bào”, theo các nhà nghiên cứu. Những tế bào này đã xác định thành công các tế bào ung ưng và tiêu diệt chúng.
“Ý tưởng đằng sau cách tiếp cận này là không đưa virus vào trong bản thân các khối u, mà đưa chúng vào các cơ quan bạch huyết thứ phát, nơi phản ứng miễn dịch sẽ được kích hoạt”, Merkler nói. “Loại virus này chỉ được sử dụng như một phương pháp báo hiệu đối với hệ miễn dịch khi nó cần phải phản ứng chống lại những protein của tế bào ung thư.”
Tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách sử dụng tế bào gen của chính chúng ta
Ý tưởng sử dụng các loại virus để thúc đẩy hệ miễn dịch phản ứng với các tế bào ung thư không phải là mới. Nhưng các nghiên cứu trước đây gặp phải một số vấn đề như việc giữ cho virus không tấn công các tế bào khỏe mạnh, từ đó gây nhiễm trùng hoặc phát triển thành bệnh. Hay khi hệ miễn dịch đã phát triển phản ứng đủ mạnh để tiêu diệt chính virus.
Theo Merkler, nó sẽ có chức năng như một “vắc-xin điều trị mạnh mẽ”.
Cho đến nay, vẫn chưa có tác dụng phụ nào từ virus được báo cáo trong các thử nghiệm ở động vật. Mặc dù vẫn còn quá sớm để biết được loại ung thư nào có thể được điều trị bằng phương pháp này, nhưng những kết quả của Merkler và Pinschewer vẫn đang khuyến khích họ. Và bước tiếp theo sẽ bao gồm các thử nghiệm mức độ an toàn và tìm kiếm đối tác thương mại để đưa phương pháp điều trị này ra thị trường.
“Tất nhiên, chúng tôi hi vọng sẽ được thử nghiệm trên con người”, Merkler nói. “Và nếu thành công, chúng ta sẽ có thêm được một phương pháp điều trị và kiểm soát ung bướu.”
Tham khảo Seeker
Nguyễn Tuấn Tài