BSC chỉ ra những tác động tích cực của quyết định công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Ngóng chờ kết luận cuối cùng vào ngày 26/7
BSC cho biết, nền kinh tế phi thị trường (Non-market economy – NME) là nước mà bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đánh giá là có nền kinh tế vận hành không theo nguyên tắc về chi phí và cấu trúc giá thông thường.
Từ đó, việc đánh giá một quốc gia là nền kinh tế phi thị trường hay không sẽ khiến cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm đến từ quốc giá đó.
DOC đánh giá tính chất “thị trường” hay “phi thị trường” dựa trên 6 yếu tố cơ bản:
- Mức độ tự do chuyển đổi của đồng nội tệ;
- Mức độ mà tiền lương được xác định bằng việc tự do thương lượng giữa người lao động và người quản lý;
- Mức độ cho phép các liên doanh hoặc đầu tư nước ngoài;
- Mức độ chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện sản xuất;
- Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và đối với các quyết định về sản lượng và giá cả của các doanh nghiệp; và
- Các yếu tố khác mà DOC cho là hợp lý.
Mặc dù các tiêu chuẩn để xác định nền kinh tế thị trường hay phi thị trường được quy định khá rõ ràng trong pháp luật Hoa Kỳ, nhưng những tiêu chí để đánh giá khi nào yếu tố đã được thỏa mãn thì lại không được xác định cụ thể. Do đó, đôi khi việc công nhận tính chất của một nền kinh tế lại phụ thuộc khá nhiều vào quan điểm chủ quan của DOC.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 12 quốc gia bị DOC kết luận là nền kinh tế phi thị trường. Cụ thể: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyz Republic, Moldova, Liên bang Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, và Việt Nam.
Nguồn BSC. |
Trong hai thập kỷ qua, Washington đã nhiều lần áp đặt thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm của Việt Nam. Vào ngày 08/09/2023, Chính phủ Việt Nam đã chính thức yêu cầu DOC xem xét công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Ngày 08/05/2024, DOC đã tổ chức phiên điều trần để xem xét hồ sơ, và quy trình điều tra này, tính từ ngày đề xuất chính thức tới ngày đưa ra quyết định là 270 ngày, dự kiến, ngày 26/07/2024, DOC sẽ chính thức có kết luận cuối cùng.
Hiện tại, có 72 quốc gia, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và gần đây nhất là Vương Quốc Anh đã có thư chính thức công nhận nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Việt Nam đang tham gia vào 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, tại Mỹ, cũng có những tổ chức ủng hộ Việt Nam, có thể kể đến như là Liên đoàn bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam). Rõ ràng, đây là điểm cộng lớn cho Việt Nam, có thể làm thay đổi quan điểm về những người đang phản đối việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng chứng kiến không ít các luồng ý kiến trái chiều. Ví dụ như các nhà sản xuất thép và các tập đoàn nông nghiệp của Mỹ như Hiệp hội chế biến tôm Mỹ (ASPA) bày tỏ quan ngại về tác động tiềm ẩn đối với các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ vốn đang phải vật lộn với sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của Việt Nam, và nhấn mạnh việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến các nhà sản xuất tôm nội địa.
Các thành viên Quốc hội của Mỹ cũng phản đối. Khoảng 20 thành viên của Hạ Viện và một nhóm Thượng nghị sĩ phản đối, với lập luận lo ngại về vấn đề lương không đúng cơ chế thị trường, cùng với đó, hiện tại đang có rất nhiều hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ thông qua Việt Nam.
Những nỗ lực gần đây của Tổng thống Hoa Kỳ - Joe Biden nhằm tăng cường quan hệ với Việt Nam bằng việc thúc đẩy các bên liên quan tại Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường gặp không ít những khó khăn. Có lo ngại hầu hết đến từ việc người Mỹ e ngại rằng hàng hóa từ Trung Quốc sẽ đến Mỹ thông qua Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất của người Mỹ. Bên cạnh đó, một trong những tổ chức lớn mạnh nhất của Mỹ đó là những nhà sản xuất thép cũng lên tiếng phản đối. Cần nhớ rằng, đơn vị này đóng một vai trò quan trọng trong bỏ phiếu tổng thống Mỹ, sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Tác động tích cực trong dài hạn hơn là ngắn hạn
Nếu thành công, ở tương lai gần, các "gã khổng lồ" đã và đang đầu tư ở Việt Nam có thể mở rộng khoản đầu tư của họ hơn nữa như: Intel, Cargill, Nike, AES, Murphy Oil, First Solar, Boing và Apple (Mỹ) hay Samsung (Hàn Quốc). Ở tương lai xa có thể là Châu Âu. Mặc dù đã có những ký kết thông qua hiệp định thương mại tự do từ năm 2015, nhưng ngay thời điểm đó, người đại diện của phía EU cũng nhấn mạnh rằng, thông qua các hiệp định thương mại tự do không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam như một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Tóm lại, việc được công nhận nền kinh tế thị trường giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải thiện năng suất lao động, tránh được bẫy thu nhập trung bình và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Do Hoa Kỳ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường nên trường hợp Hoa Kỳ tổ chức điều tra chống bán phá giá với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ 3 (được coi là nền kinh tế thị trường) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu thực.
Điều này khiến con số được tính toán ra có thể có biên độ phá giá lớn, khiến mức thuế chống bán phá giá Việt Nam phải chịu cao hơn. Nếu trong tháng 7 năm nay Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì trong trường hợp bị điều tra, Hoa Kỳ sẽ lấy chính giá sản xuất của Việt Nam, phần nào phản ánh chính xác nền kinh tế trong nước hơn.
Tác động đến ngành/doanh nghiệp trên TTCK. |
BSC đánh giá, việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động tích cực trong dài hạn hơn là ngắn hạn. Với vị trí là quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam (giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30%), việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai, giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn tại thị trường này.