Botswana dỡ lệnh cấm, hàng chục nghìn voi châu Phi lại vào tầm ngắm các tay săn
Voi ở Botswana. Ảnh: Gernot Hensel/EPA |
Lý do đằng sau việc dỡ bỏ lệnh cấm được đưa ra là: để khống chế quần thể voi đang tăng lên nhanh chóng gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho đời sống người nông dân, do chúng ăn cây lương thực, phá hoại mùa màng và thậm chí là mối đe dọa chết người trong những cuộc "đụng độ" không cân sức với người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, số voi ở Botswana đã tăng lên gấp 3 lần trong 30 năm qua, và có khả năng đã vượt quá con số 160.000.
Theo Bộ Môi trường Botswana, quyết định dỡ lệnh cấm săn bắn được đưa ra sau một quá trình tham vấn thu được đa số ý kiến đồng thuận. Bộ này cũng cho biết việc săn bắn sẽ được tái khởi động theo một cách "có quy trình và đạo đức".
Tuy nhiên, những lý lẽ này không hề có sức thuyết phục với nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường. "Cả thế giới đang quay lưng lại với săn bắn. Dần dần, nó đã trở nên lỗi thời. Quyết định này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Botswana, quốc gia đứng đầu trong công cuộc bảo vệ voi toàn cầu," Tiến sĩ Paula Kahumbu, một nhà hoạt động xã hội Kenya cho biết.
Trên Twitter, tổ chức phi lợi nhuận Pro Wildlife nhấn mạnh hành động của chính phủ Botswana là một quyết định gây thất vọng. "Môn thể thao đẫm máu này là một sự tàn bạo, lạc hậu, vô đạo đức và phá hoại những nỗ lực bảo vệ loài voi cũng như sư tử, báo,..." Pro Wildlife nhận định.
Một số ý kiến cũng cho rằng, cách giải quyết này là phản tác dụng bởi săn bắn sẽ làm voi sợ hãi và trở nên hung dữ hơn, làm cho những mâu thuẫn với loài người thêm trầm trọng.
Botswana là quốc gia có quần thể voi lớn nhất châu Phi, với hơn 135.000 con, sống tự do trong những công viên hoang dã không có rào ngăn, hoặc nhiều không gian thoáng rộng khác.
Luật cấm săn bắn voi được cựu tổng thống Botswana Ian Khama, một nhà hoạt động vì môi trường đưa ra vào năm 2014. Sau 5 năm được triển khai, việc chính phủ Botswana bất ngờ dỡ bỏ nó đã làm thế giới sững sờ. Nhiều nhà nghiên cứu về môi trường cũng lo ngại rằng quyết định của chính phủ Botswana sẽ bật đèn xanh cho nạn mua bán ngà voi.
Một số quốc gia giải quyết tình trạng quá tải voi bằng cách...xuất khẩu. Zimbabwe cho biết, trong 6 năm trở lại đây, 100 cá thể voi đã được bán cho Trung Quốc và Dubai với giá 2,7 triệu USD.
Châu Phi: 3 tháng đầu năm 2019 tăng 700% ca sởi so với cùng kỳ Sự quay trở lại của bệnh sởi là mối quan tâm nghiêm trọng, với sự bùng phát kéo dài xảy ra ở các khu vực, ... |
Dịch lây ra 21 tỉnh, lập Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch tả heo châu Phi Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tả heo châu Phi đã họp sau khi Chính phủ quyết định thành lập ban này ... |
Công nghệ mới ngăn nạn buôn bán thuốc giả ở châu Phi Với công nghệ blockchain, các nhà phân phối và bán lẻ thuốc tại Lục địa đen sẽ có quyền truy xuất nguồn gốc chính xác ... |