Bốn Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2023
Luật kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Với 07 chương, 157 Điều, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Luật Kinh doanh bảo hiểm có các sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; đăng ký thành lập doanh nghiệp. Luật sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
Luật bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên; công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc, yêu cầu, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng để phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Luật Cảnh sát cơ động
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 Chương 33 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với Cảnh sát cơ động.
Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động. |
Trong đó, Luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của Cảnh sát cơ động trong việc làm "nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội";
Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".
Bên cạnh đó, Luật Cảnh sát cơ động có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn không quân Công an nhân dân…
Luật cũng bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách.
Luật Cảnh sát cơ động là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong Cảnh sát cơ động; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.
Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm:
Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả, Quyền liên quan đến quyền tác giả. Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước. Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký Quyền tác giả, Quyền liên quan đến quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 (viết tắt là Luật Điện ảnh năm 2022) kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006. Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và có 10 điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Trong đó: sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim"; khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh; quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu khác với Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ quy định hình thức đấu thầu.
Luật cũng mở rộng đối tượng chủ đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan cứu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Luật quy định mới chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam. Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim.
Luật quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim; thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam; mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim.
Luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước. Cụ thể các Bộ, ban, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp được tự tổ chức liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng nêu trên được phép tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam.