"Bom nợ" Evergrande vỡ sẽ mang đến nhiều hệ lụy
"Bom nợ" Evergrande ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu
Trong tuần này, cả thế giới đang hướng về Evergrande khi tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới đứng trước cột mốc quan trọng là trả 83 triệu USD tiền lãi trái phiếu vào ngày 23/9.
Theo nhà cung cấp dữ liệu thị trường Refinitiv Eikon, đây là lãi cho khoản trái phiếu bằng đồng USD kỳ hạn 5 năm của Evergrande. Nó có quy mô phát hành ban đầu là khoảng 2 tỷ USD dù thực tế, giá của nó hiện tại đã giảm rất mạnh. Chính cú sập của giá trái phiếu đã khiến khoản lợi tức này tăng vọt lên 560% so với mức hơn 10% vào đầu năm nay. Khoản trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 3/2022.
Ngoài ra, một khoản thanh toán lãi suất khác cho trái phiếu đồng USD kỳ hạn 7 năm sẽ đến hạn vào thứ 4 tuần tới.
Ước tính các khoản nợ của Evergrande đã vượt 300 tỷ USD. Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia thị trường cho rằng, "bom nợ" Evergrande có thể không dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, nhưng nó có thể gây ra nhiều biến động.
Ông Rick Rieder - Giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock - cho rằng, điều khó khăn là không thể đoán được chính phủ Trung Quốc sẽ xử lý vụ việc này ra sao cho đến khi có câu trả lời rõ ràng.
Ông Rieder nhận định, qua vụ việc này, các nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng hơn khi đầu tư vào các công ty bất động sản và các công ty đa ngành ở Trung Quốc trong một thời gian. Điều này có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc vốn đã chậm lại sẽ bị ảnh hưởng thêm và dòng vốn có thể chảy sang các nền kinh tế khác.
Theo ông Jimmy Chang - Giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office, bất động sản là lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc và tài chính của nhiều gia đình dân nước này khi có hơn 90% người dân sở hữu nhà ở. Thậm chí, nhiều người mua nhà như một khoản đầu tư. Vì vậy, nếu cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande không được giải quyết, nó có thể trở thành một sự kiện "thiên nga đen" thực sự.
Thực tế là nền kinh tế Trung Quốc quá lớn nên có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. "Nếu Trung Quốc gặp phải vấn đề kinh tế nghiêm trọng vì Evergrande thì phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng", ông Chang nói.
Tuy nhiên mới đây, mối lo về cuộc khủng hoảng nợ Evergrande đã được giải toả phần nào từ ngày thứ Tư, sau khi có tin nói rằng một công ty con của Evergrande đã giải quyết xong một đợt thanh toán tiền lãi trái phiếu. Dù vậy, đây mới chỉ là một trong vô số thách thức mà công ty này phải đương đầu khi gánh số nghĩa vụ nợ trên 300 tỷ USD.
Cùng với đó, tối 22/9, Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn cũng tuyên bố công ty này sẽ ưu tiên giúp các nhà đầu tư mua sản phẩm quản lý gia sản (WMP) lấy lại tiền. Lời trấn an được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư hồi hộp chờ xem công ty bất động sản ngấp nghé bờ vực vỡ nợ này có thể thanh toán tiền lãi trái phiếu đến hạn.
Nguồn thạo tin nói với Reuters rằng cam kết mà ông Hứa đưa ra “rõ ràng nhằm ổn định thị trường nhưng có vẻ không mang lại nhiều thông tin cho các chủ nợ trái phiếu của công ty”.
“Chưa có một kế hoạch rõ ràng nào, nhưng chúng tôi kỳ vọng nợ của công ty sẽ đến lúc được tái cơ cấu”, nguồn tin nói.
Nếu Evergrande vỡ nỡ thì sẽ thành "trái đắng" với nhà đầu tư nước ngoài?
Hiện, mọi ánh mắt vẫn đổ dồn về khả năng thanh toán của Evergrande trong ngày 23/9. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sẽ không thể thanh toán đúng hẹn. Về mặt kỹ thuật, nó có 30 ngày để trả khoản tiền này mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì.
Vishnu Varathan - trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho - cho biết: "Sự thực là Evergrande đã vỡ nợ về mặt kỹ thuật khi không thể thanh toán lãi suất ngân hàng hồi đầu tuần này".
Varathan đề cập tới báo cáo nói rằng Chính phủ Trung Quốc đã thông báo với các ngân hàng lớn rằng Evergrande đã không thể trả lãi các khoản vay tới hạn vào ngày 20/9 vừa qua.
Những điều này gần như không còn gì mới. Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư quốc tế đang theo dõi sát tình hình bởi nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, nếu vỡ nợ xảy ra, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các nhà đầu tư trong nước ở Trung Quốc.
Có thể trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ nội địa sẽ được ưu tiên hơn trái phiếu bằng đồng USD ở nước ngoài. Trái phiếu nước ngoài chủ yếu được nắm giữ bởi các tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài trong khi các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ của Trung Quốc sẽ chủ yếu nắm giữ trái phiếu nội địa.
Ngoài ra, Varathan còn nhấn mạnh rằng lợi ích đối với các nhà đầu tư trái phiếu nhiều khả năng sẽ được tính đến sau người mua nhà và các nhóm khác bởi sự ưu tiên mạnh mẽ của các nhà chức trách dưới góc độ ổn định xã hội. Giải quyết một phần lợi ích cho các nhóm này trước có thể giảm thiểu rất nhiều rủi ro trong trường hợp “quả bom nợ” Evergrande vỡ.
Những điều này không phải không có cơ sở. Khi Evergrande có dấu hiệu vỡ nợ, những người mua nhà và các nhà đầu tư giận dữ đã đổ xô tới văn phòng của công ty này ở một số thành phố. Đó thực sự là vấn đề quan ngại với ổn định xã hội, điều mà nhà chức trách Trung Quốc luôn muốn ổn định.
Khi người mua nhà và các nhà đầu tư trong nước được quan tâm, rõ ràng các nhà đầu tư nước ngoài, đổ tiền vào trái phiếu bằng đồng USD của Evergrande, sẽ bị xếp phía sau. Ngoài ra, Varathan còn khẳng định rằng vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD sẽ không kích hoạt tình trạng vỡ nợ chéo, điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu Evergrande sụp đổ.
Theo CNBC, UBS, HSBC và Blackrock là những cái tên đã mua vào trái phiếu của Evergrande trong những tháng qua. Các thương vụ này diễn ra trong khoảng tháng 7 và tháng 8. Có lẽ, đây là quyết định "bắt đáy" táo bạo nhưng nó có thành công hay không vẫn là ẩn số. Câu trả lời, có thể được hé lộ phần nào trong những ngày sắp tới.
Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa bơm thêm 110 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD) vào thị trường. Đây là lần thứ 4 liên tiếp nước này bơm tiền trong bối cảnh lo ngại về Evergrande. Đây được coi là sự bổ sung lớn nhất thông qua các hoạt động của thị trường mở kể từ cuối tháng 1. Trước đó, PBOC đã bơm thanh khoản vào thị trường 3 lần liên tiếp khiến giới đầu tư hy vọng Bắc Kinh sẽ xoa dịu những căng thẳng của thị trường đối với vụ việc của Evergrande. Việc xoa dịu những bất ổn trên thị trường đang trở nên cấp thiết khi những lo ngại về khả năng Evergrande không trả được các khoản nợ đúng hạn vào hôm nay (23/9) sẽ ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu. Hiện chưa rõ động thái bơm tiền này có phải để "cứu" Evergrande hay không nhưng giá cổ phiếu của tập đoàn bất động sản niêm yết tại Hồng Kông đã hồi phục và bật tăng mạnh trong phiên ngày 23/9, có lúc tăng tới 32% trước khi tạm dừng ở mức 18% vào chiều nay. |
Ảnh hưởng của "bom nợ" Evergrande, giá vàng thế giới đã tăng trở lại Hôm nay (22/9), giá vàng thế giới đã tăng trở lại sau cú tụt giảm trong tuần trước. Cú sụt giảm trên thị trường chứng khoán với sự kiện “bom nợ” Evergrande khiến giới đầu tư tìm đến các kênh đầu tư an toàn. |