Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành khẩn trương lập danh sách ưu tiên tiêm vaccine COVID-19
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế vừa gửi công văn hỏa tốc tới các tỉnh, thành phố., trong đó nêu rõ: Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương lập danh sách 10 nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm miễn phí vaccine COVID-19 của AstraZeneca.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành gửi số lượng từng nhóm về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các viện Pasteur khu vực trước ngày 15/4 để tổng hợp. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Y tế xây dựng kế hoạch phân phối, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.
Trước đó, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết vaccine của AstraZeneca chỉ có hạn 6 tháng kể từ khi sản xuất, nên khi đến được các quốc gia, thời gian còn lại không nhiều. Kế hoạch tiêm cần triển khai khẩn trương, nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ, an toàn, trong đó ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch, người trên 60 tuổi, người có bệnh nền…
Theo thống kê, Việt Nam hiện đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 52.868 người tại 19 tỉnh, thành phố từ lô vaccine đầu tiên với 117.600 liều về Việt Nam ngày 24/2.
Với sự hỗ trợ từ COVAX, Việt Nam đã nhận lô vaccine đầu tiên gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và từ nay đến cuối tháng 5 sẽ có thêm gần 3,4 triệu liều từ nguồn này.
Theo kế hoạch, trong năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ nguồn COVAX hỗ trợ, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua thông qua Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Ngoài AstraZeneca, hiện Việt Nam đã cấp phép cho vaccine Sputnik V của Nga và đang tiếp tục đàm phán với Mỹ, Trung Quốc… để có thêm vaccine nhập khẩu song song với nguồn vaccine trong nước đang thử nghiệm với rất nhiều khả quan.
10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 miễn phí:
1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng chống dịch (thành viên BCĐ phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...), lực lượng quân đội (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch), lực lượng công an (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch).
2. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và người thân được cử đi công tác nhiệm kỳ, cán bộ trực tiếp tham gia đón các đoàn khách của Chính phủ và đón người Việt Nam từ nước ngoài về, đoàn ngoại giao và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
3. Nhân viên hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
4. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...
5. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
6. Người mắc các bệnh mạn tính.
7. Người trên 65 tuổi.
8. Người sinh sống tại các vùng có dịch.
9. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
10. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Hà Nội tăng cường phòng dịch, chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 đợt 2 Chiều 5-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. |
Thông tin COVID-19: Thêm 6 ca mắc mới là người nhập cảnh Chiều 5/4, Bộ Y tế cho biết có 6 ca mắc COVID-19 tại 4 địa phương là Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh. Đây là các ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay sau đó. |
Cho phép các hãng hàng không trong nước tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt về nước Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa đồng ý chủ trương cho phép các hãng hàng không trong nước tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa vừa chấp thuận cho 9 chuyến bay riêng, do các doanh nghiệp tự lo mọi chi phí phòng ngừa COVID-19, điều trị cho những người Việt Nam được đưa về nước, nhập cảnh sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). |