Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ô nhiễm không khí phần lớn do con người
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng Văn phòng Chính phủ và nhiều Bộ, ngành đã tổ chức cuộc họp chiều 19/12 để tìm nguyên nhân, bàn các giải pháp cấp bách và lâu dài.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, qua số liệu báo cáo của các Bộ, ngành địa phương, có thể thấy 5 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí đã ngày càng gia tăng tại TP. Hà Nội và TP.HCM.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà (Ảnh: Soha) |
Cụ thể, từ 2013-2019, các thành phần được quan trắc (trừ bụi mịn) đều có thông số về không khí có xu hướng giữ nguyên, riêng bụi PM10 (bụi cỡ lớn) có xu hướng giảm. Từ 2017-2019 chỉ số bụi mịn có xu hướng tăng theo mùa và theo thời gian từ 2h sáng-9h sáng.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, Bộ trưởng cho biết các Bộ ngành đã phân tích, nhận định nguyên nhân lớn nhất là do sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông.
Nguyên nhân thứ 2 là do Hà Nội và TP.HCM đang trở thành một "đại công trường" với mật độ xây dựng lớn, chất thải, khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường lớn. Nguyên nhân nữa là do số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh ở cả 2 TP lớn này.
Riêng tại Hà Nội, Hà Nội, còn có thêm nguyên nhân là do tình trạng đốt rơm rạ từ ngoại thành và các tỉnh lân cận và đốt chất thải nguy hại, phát tán ra môi trường. Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương kiểm tra, gấp rút xử lý tình trạng này.
Không khí Hà Nội ô nhiễm do khói bụi (Ảnh minh hoạ) |
"Như vậy, các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đều là các nguyên nhân chủ quan, do con người tạo nên chứ không phải nguyên nhân khách quan từ môi trường hay khí hậu" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ TN&MT cũng đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí: Cung cấp số liệu chất lượng không khí cho người dân, khuyến cáo cho người dân kịp thời nếu chất lượng không khí ở mức nguy hại, điều tiết giao thông, vận động người dân không dùng bếp than tổ ong, tuyên truyền không đốt rơm rạ, chất thải nguy hại...
Bộ trưởng cũng đề nghị, các Bộ, ngành cần phối hợp để sớm có đủ năng lực đánh giá tình trạng môi trường, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý ô nhiễm không khí.