Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp vượt khó
-Thưa Bộ trưởng, tiếp nối những thành quả năm 2022, xin ông cho biết kết quả thu và cân đối ngân sách trong quý I/2023?
-Kết quả thu NSNN quý I ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022 (NSTW ước đạt 37,6% dự toán; NSĐP ước đạt 22,1% dự toán). Trong đó: thu nội địa ước đạt 30,9% dự toán; thu từ dầu thô ước đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 88,4 USD/thùng; giá dự toán là 70 USD/thùng); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 26,9% dự toán.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ có nhiều chính sách đặc thù được ban hành để hỗ trợ DN |
Số thu quý I đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý IV và chênh lệch so quyết toán thuế năm 2022 (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...) theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý I/2023. Trong đó, riêng thu từ 03 khu vực kinh tế (chiếm 53,3% dự toán thu nội địa, gồm vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh) ước đạt 32,7% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ. Ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa Quý I đạt trên 28% dự toán; 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Cơ quan thuế tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm khoảng 14,48 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, cơ quan thuế đã làm tốt công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý thuế, triển khai thành công hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng…
Còn về chi NSNN thì riêng tháng 3 ước đạt 130,6 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi quý I đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán. Nhìn chung cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
-Năm 2022, dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 trước đó, nhưng Bộ Tài chính vẫn để lại những dấu ấn hết sức tích cực trên một số nội dung như quy mô số thu, phát triển đối tượng thu thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp toàn cầu như Google, Facebook... Đây là thành quả của sự hợp lý chính sách mà Bộ đã thực thi. Vậy với năm 2023, đâu sẽ là những điểm nhấn chính sách được ông ưu tiên?
-Bước sang năm 2023, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo năm nay sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp cho năm 2023 như:
Thứ nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Thứ hai, về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023 theo nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính đang triển khai công tác xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 4 năm 2023.
Thứ ba, miễn tiền chậm nộp phát sinh trên khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của DN, tổ chức. Hiện, Bộ Tài chính đang giao Tổng cục Thuế lấy ý kiến các đơn vị liên quan để xây dựng phương án.
Thứ tư, tiếp tục giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2023 nhằm hỗ trợ DN, người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Theo nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023 nhằm hỗ trợ DN, người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,48 nghìn tỷ đồng |
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo ngành thuế đẩy nhanh công tác điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế, tăng cường rà soát nguồn thu, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài chưa đăng ký nộp thuế, trong đó tập trung một số nội dung như sau:
Một là, đề xuất sửa đổi một số nội dung tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP theo hướng các cơ sở kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng phải sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Hai là, tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương để trao đổi thông tin thường xuyên về danh sách các website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin theo quy định.
Ba là, xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn, theo đó áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.
Bốn là, nghiên cứu hoàn thiện quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế về nội dung liên quan đến nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp đăng ký, kê khai, nộp thuế hoặc có thể uỷ quyền cho tổ chức Việt Nam kê khai, nộp thuế thay để đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời.
-Năm 2023 dự báo kinh tế thế giới sẽ bị tác động sâu sắc bởi tình hình lạm phát và chiến tranh Nga-Ukraina, còn ở trong nước thì doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đang bị nghẽn bởi tín dụng và tiêu thụ sản phẩm. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục, hoặc có những sự hỗ trợ mới nào qua các công cụ như thuế, trái phiếu… để giúp doanh nghiệp trụ vững trong thời điểm khó khăn này không, thưa ông?
-Trong những năm gần đây, trước ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã đề xuất, trình các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được triển khai thực hiện liên tục trong 3 năm 2020 - 2022 với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng chưa từng có tiền lệ.
Riêng năm 2022, các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí có quy mô hỗ trợ ước tính khoảng 233 nghìn tỷ đồng.
Thực tế cho thấy các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên đã góp phần vào những kết quả khả quan trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại vào kết quả hết sức tích cực của ngành tài chính trong những năm qua.
Năm 2023, dự báo bên cạnh những điều kiện thuận lợi kế thừa từ thành tựu trong phục hồi kinh tế năm 2022, dự báo còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo đó, ngay từ đầu năm, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế như: Gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất phải nộp để hỗ trợ thanh khoản, giúp doanh nghiệp, người dân giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh; Giảm tiền thuê đất phải nộp cho các đối tượng gặp khó khăn; tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2023…
Về trái phiếu doanh nghiệp, trong những tháng gần đây, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để khôi phục niềm tin và giảm áo lực thanh khoản của thị trường TPDN. Về khung khổ pháp lý, ngày 05/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, để thị trường có thời gian điều chỉnh lại, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn.
Theo đó, từ thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực (ngày 05/3/2023) đến ngày 17/3/2023, các doanh nghiệp phát hành được 11.930 tỷ đồng TPDN, trong khi đó từ đầu năm đến ngày 05/3/2023, các doanh nghiệp mới chỉ phát hành 882 tỷ đồng TPDN.
Bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu trên, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư thì từng chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, doanh nghiệp phát hành cần phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.
Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa TPDN và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường TPDN.
-Để ổn định nguồn thu ngân sách nhưng vẫn khuyến khích doanh nghiệp phát triển, thưa ông, Bộ Tài chính có đề xuất gì với Chính phủ về những cơ chế, chính sách liên ngành nào cần được bổ sung thực hiện trong thời gian tới?
-Chính sách huy động thu ngân sách, đặc biệt là chính sách thuế có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu vĩ mô và và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế cho giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung tại Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 01/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 đề ra Kế hoạch thực hiện cụ thể đối với công tác hoàn thiện chính sách thuế. Theo đó, từ nay đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ tiến hành nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, đồng bộ tất cả các Luật về thuế, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc đổi mới cơ chế, chính sách về tài chính, NSNN cũng như Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó cần đảm bảo việc thực hiện mục tiêu về cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước; phù hợp thông lệ quốc tế, khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về thể chế liên quan đến chính sách thuế với cải cách thể chế quản lý thuế theo hướng thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Việc xây dựng các cơ chế, chính sách của từng ngành, lĩnh vực cũng như các chính sách liên ngành nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ đối với tất cả các Bộ, ngành và là nội dung quan trọng được đề cập trong các nội dung công tác của Chính phủ.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó bao gồm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cả trước mắt cũng như lâu dài.
Ngay khi Nghị quyết này của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính sẽ quyết liệt thực hiện các nội dung được phân công cũng như chỉ đạo sát sao các đơn vị chuyên môn có liên quan để nhanh chóng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đến với cộng đồng doanh nghiệp.
-Xin ông cho biết những khó khăn trong năm 2023 mà các cơ quan quản lý vĩ mô về kinh tế cần đặc biệt lưu ý?
-Khi xây dựng dự toán NSNN năm 2023 tại thời điểm cuối quý II, đầu quý III năm 2022, chúng tôi đã nhận diện được những khó khăn, thách thức đó là nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chíđối diện nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế lớn, trong khi lạm phát, giá dầu thô, các nguyên liệu đầu vào… vẫn còn ở mức cao, xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine kéo dài. Trong khi đó kinh tế nước ta có độ mở lớn và chịu tác động mạnh từ bên ngoài.
Thực tế trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy điều này, tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu (6,5%-7%), lạm phát tăng 5,01% (mục tiêu khoảng 4%), sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, thu NSNN chỉ tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022, trong đó thu 3 khu vực kinh tế (nếu loại trừ thuế TNDN của năm 2022) thì giảm 6% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 16,9% so cùng kỳ; có 40 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thu, chi NSNN năm 2023 là một thách thức rất lớn. Do đó, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp đã đề ra theo các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 01 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng phương án điều hành, chủ động ứng phó với các diễn biến phát sinh.
Trong đó, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung triển khai kế hoạch vốn đầu tư công và các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát huy vai trò vốn “mồi”, kích thích kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn các thị trường, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài. Song song với đó là tăng cường quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai,minh bạch, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.
-Trân trọng cảm ơn ông!