Bộ Tài chính vẫn quyết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một số loại hàng hóa
Đề xuất sửa đổi 5 luật thuế, trong đó có luật Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đánh thuế vào nước ngọt, cà phê và nước sạch, thuốc lá của Bộ Tài chính sau thời gian đưa ra lấy ý kiến về đã vấp phải sự không đồng thuận của nhiều bộ ngành, hiệp hội vì cho rằng thiếu cơ sở.
Áp thuế 10% với nước ngọt
Ảnh minh họa
Theo đó, hầu hết các ý kiến của các bộ ngành đều cho rằng, không có căn cứ thuyết phục cho rằng các mặt hàng nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê gây tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường. Bởi quyết định tăng thuế sẽ có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực này.
Giải trình các ý kiến này, Bộ Tài chính cho hay: "Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới thì các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe (Tổ chức y tế thế giới đã có nhiều nghiên cứu về loại đồ uống này). Cũng theo tổ chức này, hiện nay có khoảng 40 nước đang áp dụng thuế TTĐB nước ngọt.
Tại Thư của Tổ chức Y tế Thế giới gửi Bộ Tài chính, Tổ chức này đã đồng tình với đề xuất áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt để tăng giá các loại nước giải khát này và khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế sao cho có thể đạt được sự tăng giá bán ở mức 20%.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo. Các loại nước ngọt phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa, mức thuế suất áp dụng là 10%, bắt đầu từ năm 2019 để định hướng tiêu dùng mặt hàng nước ngọt góp phần bảo vệ sức khỏe người dân
Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, xì gà
Trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc, tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, Hiệp hội Thuốc lá, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam đã có đề nghị không tăng thuế với lý do Ngành sản xuất thuốc lá trong nước chịu sự kiểm soát gắt gao bởi các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá như in cảnh báo sức khỏe, cấm quảng cáo khuyến mại, chịu mức thuế suất cao.
Ảnh minh họa
Do đó, việc tăng thuế dẫn đến khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, hiện nay buôn lậu gia tăng nên việc tiếp tục tăng thuế sẽ gia tăng buôn lậu, hiệp hội này cho hay.
Về các ý kiến nêu trên, Bộ Tài chính dẫn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Hội y tế Công cộng Việt Nam cho rằng, nên đề nghị tăng mức thuế tuyệt đối của bao thuốc lá từ 1.000 đ/ bao lên mức 2.000 đ/bao.
Đồng thời, điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát hàng năm để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá và thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.
Bên cạnh đó, bộ này cho rằng, có ý kiến còn đề nghị tăng mức thuế tuyệt đối của mặt hàng xì gà lên 50.000 đồng vì giá bán của xì gà thấp nhất khoảng 500.000 đồng.
Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, mặt hàng xì gà là loại cao cấp có giá bán cao hơn nhiều so với mặt hàng thuốc lá với giá thấp nhất là 300.000đ/điếu. Do vậy, bộ tiếp thu một phần ý kiến tham gia đề nghị mức thuế tuyệt đối của xì gà là 10.000đ/điếu.
Đối với mức thuế tuyệt đối của mặt hàng thuốc lá, bộ này cho hay, theo Chiến lược Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc là 8% (từ 47% xuống 39%).
Để đạt mục tiêu này, trên cơ sở tính toán, cân nhắc tác động của việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo Luật đã đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu.
Áp thuế GTGT 5% đối với nước sạch
Trước đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với mặt hàng nước sạch, nhiều ý kiến cho rằng nên giữ mặt hàng nước sạch thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với lý do đây là mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân,
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay nhiều thành phần kinh tế đã tham gia đầu tư cung cấp nước sạch để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngoài nước sạch dùng cho sinh hoạt thì nước sạch phục vụ sản xuất cũng rất lớn.
Bên cạnh đó mặt hàng điện hiện nay cũng đang áp dụng thuế suất thuế GTGT phổ thông 10%. Do vậy, đề nghị giữ như dự thảo Luật áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng nước sạch.
Thuế GTGT 0% đối với phân bón là chưa phù hợp
Ảnh minh họa
Về ý kiến của các bộ ngành đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón được khấu trừ thuế GTGT góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này, Bộ Tài chính cho rằng, thuế GTGT là sắc thuế gián thu, thu vào hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam.
Do vậy, theo nguyên tắc xây dựng Luật thuế GTGT thì mức thuế suất thuế GTGT 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu để doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào (giảm giá bán trên thị trường thế giới để tăng khả năng cạnh tranh).
Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị áp dụng thuế GTGT 0% đối với phân bón là chưa phù hợp và có thể dẫn đến các ngành hàng khác cũng đề nghị được áp dụng tương tự.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo Luật (áp dụng thuế suất thuế GTGT ưu đãi đối với mặt hàng phân bón).
Hương Mai (t/h)