Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với báo chí trong công tác truyền thông
-Thưa ông, nói một cách khái quát thì kể từ khi ông đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Tài chính từ năm 2021 cho đến nay, ông cảm nhận sao về mối quan hệ của Bộ Tài chính và báo giới?
-Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là có nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết tới đời sống của người dân và sự phát triển doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, ngành Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách tài chính; điều hành linh hoạt và hiệu quả chính sách tài khóa, phát triển thị trường tài chính; tái cơ cấu nợ công; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN...
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mong muốn báo chí làm tốt hơn nữa công tác phản biện chính sách |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, việc thực hiện nhiệm vụ ngành Tài chính đối mặt với khó khăn kinh tế toàn cầu, tình hình lạm phát thế giới, chiến tranh, dịch bệnh ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì vậy việc kiểm soát chặt chẽ lạm phát, đảm bảo an toàn nợ công; giữ ổn định, phát triển, minh bạch các thị trường; thúc đẩy thu hút đầu tư; thúc đẩy phát triển DN; tập trung nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, giữ ổn định phát triển nền tài chính quốc gia trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai...là nhiệm vụ cốt lõi của ngành Tài chính.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đặc biệt coi trọng công tác thông tin - tuyên truyền. Chúng tôi xác định, công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, truyền thông được coi là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tài chính và hoạt động của ngành Tài chính.
Công tác truyền thông tốt sẽ góp phần đắc lực vào xây dựng chính sách công khai, minh bạch, tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp, đưa chính sách pháp luật tác động hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước. Ngược lại, cũng góp phần đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Trong thành công chung của ngành Tài chính thời gian qua, phải khẳng định có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, sự đồng hành phối hợp có hiệu quả của các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước. Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo đã ủng hộ, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Tài chính trong công tác thông tin, tuyên truyền.
-Trên nhiều diễn đàn, tại nhiều cuộc họp ông luôn đề cập vai trò quan trọng của truyền thông đối với sự thành công của chính sách, quan điểm này của ông được báo chí đánh giá rất cao vì tính văn minh cũng như sự thiết thực của nó. Vậy xin ông cho biết xuất phát từ những suy nghĩ nào mà từ đó đã định hình nên cách ứng xử này trong tư duy của ông?
-Như tôi vừa trao đổi, Bộ Tài chính là Bộ đa ngành tham mưu chính sách về tài chính kinh tế như: chính sách thuế, hải quan, giá, thị trường tài chính, quản lý công sản, chính sách chi tiêu…muốn chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, không thể thiếu công tác truyền thông. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách, nhấn mạnh tới yêu cầu tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Nhờ truyền thông chính sách mà những vấn đề mới, khó, sẽ được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng. Do đó, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông chính sách. Thông qua báo chí là cầu nối giữa cơ quan quản lý và người dân, vừa đưa chính sách vào cuộc sống, vừa quay trở lại phản biện chính sách, để từ đó có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Về cơ bản, các chính sách tài chính nói chung và các chính sách về thuế, hải quan, kho bạc… nói riêng đều rất phức tạp, khô cứng, nhưng lại liên quan đến hầu hết đến người dân, doanh nghiệp. Ví dụ, trong lĩnh vực thuế, thông qua các phương tiện truyền thông, các hình thức truyền thông khác nhau, đã trở thành sợi dây kết nối, để chính sách đến được với người dân. Điều này góp phần quan trọng, giúp ngành Tài chính có thêm kênh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, với lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc cập nhật thông tin chính sách về thị trường chứng khoán để đưa thông tin đến với công chúng. Việc báo chí phản ánh thị trường chứng khoán một cách trung thực là rất quan trọng, góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Gần đây, Bộ Tài chính đẩy mạnh công nghệ thông tin ứng dụng vào quản lý thu ngân sách, góp phần thu đúng, thu đủ về ngân sách theo đúng quy định pháp luật. Bộ Tài chính, các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế, công tác quản lý thuế. Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên nhiều nền tảng, như: báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử, các bản tin truyền hình, zalo, facebook… tích cực tuyên truyền chính sách tài chính (thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán) đến với người dân và doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác truyền thông, để chính sách tài chính “gần dân, sát dân” hơn nữa. Đây vẫn là định hướng ưu tiên của ngành Tài chính.
-Ông có thể ví dụ một chính sách cụ thể của Bộ Tài chính mà trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi đã có sự kết hợp công tác tuyên truyền của báo chí và từ đó thu được những kết quả thực sự ấn tượng?
-Bộ Tài chính là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, nên trong quá trình quản lý, nhiều chính sách đã được ban hành, tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành. Để chính sách đi vào cuộc sống, thì công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận là hết sức quan trọng. Đơn cử như việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu chẳng hạn.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, việc áp dụng HĐĐT nói chung và HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu nói riêng là quy định bắt buộc. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38 quy định, kể từ ngày 1/7/2022, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch… thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng HĐĐT. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nên nhiều cửa hàng chưa áp dụng HĐĐT theo quy định trên.
Để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thuế, cũng như nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023 về việc tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Tại Công điện số 26, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan triển khai ngay các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT, lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; thúc đẩy mạnh mẽ và thực hiện triệt để việc chuyển đổi số trong việc lập HĐĐT kết nối với cơ quan thuế. Cũng tại Công điện số 26, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan liên quan khác đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về HĐĐT, lập HĐĐT tại các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Đồng thời yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực hiện phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố; các sở, ngành địa phương… triển khai, kiểm tra giám sát việc thực hiện HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Tất cả các chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính đã được báo chí tập trung tuyên truyền kịp thời với nhiều hình thức phong phú, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đến mọi tầng lớp nhân dân, đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về việc xuất hóa đơn HĐĐT từng lần bán lẻ xăng dầu; người dân (mua hàng trực tiếp) cũng rất hoan nghênh và ủng hộ chủ trương này bằng việc mua hàng lấy HĐĐT.
Có thể nói, với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống thuế, sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, đến ngày 31/3/2024, toàn quốc đã có 15.925/15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT từng lần bán hàng, đạt khoảng 99,94% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tính đến nay, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã áp dụng HĐĐT sau từng lần bán hàng. Với kết quả này, ngày 5/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thư khen Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện thành công phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đây chỉ là một trong rất nhiều chính sách đã được báo chí đồng hành với ngành Tài chính trong thời gian qua. Sự phối hợp, đồng hành của báo chí trong công tác tuyên truyền được thực hiện ngay từ khi chủ trương, quá trình xây dựng hoàn thiện, đến khi chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống.
-Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ông có kỳ vọng gì vào hoạt động của báo chí đối với ngành Tài chính trong tương lai?
-Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030 nhằm xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Tài chính được coi là mạch máu của nền kinh tế nên các sự kiện, hoạt động của ngành Tài chính hay liên quan đến ngành Tài chính đều thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, báo chí là kênh truyền thông quan trọng để kết nối hoạt động ngành Tài chính với người dân, xã hội, góp phần vào sự phát triển của Ngành.
Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng hạng thị trường chứng khoán, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước, rất cần sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí.
Tôi mong rằng, các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, đưa cơ chế, chính sách kinh tế - tài chính của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phản ánh đầy đủ, toàn diện, đa chiều, khách quan, trách nhiệm cao dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần tích cực vào nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài chính – ngân sách quốc gia. Đồng thời, từ thực tế của đời sống kinh tế - xã hội, đời sống doanh nghiệp mà phát hiện những tồn tại, bất cập, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế - tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ Tài chính rất mong các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt hơn nữa chức năng phản biện đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính, thông qua đó phản ánh, đề xuất, kiến nghị để tìm ra giải pháp tốt nhất cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội mà Đảng, Nhà nước giao.
Ngoài ra, tôi cũng mong các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh toàn diện về các mặt hoạt động và những đóng góp của ngành Tài chính đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát hiện, biểu dương gương điển hình tiên tiến, những tập thể xuất sắc, gương người tốt - việc tốt, những con người hết mình vì công việc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành Tài chính, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính của đất nước.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí đã khẳng định vai trò quan trọng, có những đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tôi xin khẳng định lại rằng, những kết quả của ngành Tài chính đạt được bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức ngành Tài chính, còn có sự đồng hành, tuyên truyền hiệu quả, tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo trên cả nước.
Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin kính chúc các nhà báo, đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông dồi dào sức khoẻ, luôn giữ được ngọn lửa đam mê, sáng tạo, trách nhiệm với nghề và tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp.
-Trân trọng cảm ơn ông!