Bỏ quy định cấm sinh viên chia sẻ nội dung dung tục
Văn bản đính chính Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy về hành vi sinh viên không được làm.
Thông tin trên được VietnamNet đưa ngày 5/5/2016. Theo đó, Bộ GD-ĐT quyết định đính chính Điều 6, chương II của Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định các hành vi sinh viên không được làm.
Quyết định về việc đính chính Quy chế sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy đã ban hành ngày 5/4/2016 về quy định các hành vi sinh viên không được làm của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể văn bản mới ghi rõ: "Các hành vi sinh viên không được làm thực hiện theo quy định tại Điều 88 Luật Giáo dục, Điều 61 Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan". Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (25/4/2016) và là bộ phận không tách rời của Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016.
Trước đó, ngày 5/4, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký Thông tư ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy do Bộ GD&ĐT quy định, trong đó quy định cấm sinh viên bình luận, chia sẻ bài viết dung tục trên mạng.
Quy chế này nhận được nhiều tranh luận trên mạng xã hội, cũng như ý kiến của sinh viên. Một số bạn đặt câu hỏi thế nào là bình luận dung tục và có thể bị xử lý kỷ luật?
Trả lời Zing.vn, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên - Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ chỉ quy định khung. Các trường có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp quy chế của Bộ và thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Trong khi đó, lãnh đạo một số trường đại học tỏ ra lúng túng trong việc xử lý vi phạm. "Hiện nhà trường đang lúng túng việc áp dụng mức kỷ luật, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể", tiến sĩ Phạm Văn Hà - Hiệu trưởng Đại học Công đoàn, cho biết.
Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội) khẳng định, ông đồng tình với việc Bộ GD&ĐT chấn chính và giáo dục nhận thức, cũng như những hành vi chưa đúng của sinh viên. Nhưng trước những quy định mới, ông đưa ý kiến, Bộ “chỉ nên tập trung giáo dục, chứ không nên đưa ra những quy định máy móc”.
Ông Vinh cho rằng, quy định vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra đã có sẵn từ trước trong pháp luật Việt Nam, từ những điều như không được đánh bạc, buôn bán vận chuyển trái phép chất gây cháy nổ, ma túy…
"Không nên đưa ra những quy định chồng chéo. Sinh viên vi phạm những điều này đã có cơ quan công an giải quyết, nhất là với quy định không được đăng tải, bình luận bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy trên mạng xã hội", ông Vinh nói.
Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Điều 88 quy định "Các hành vi người học không được làm", cụ thể: "Người học không được có các hành vi sau đây: 1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học khác; 2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; 3. Hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học; gây rối an ninh, trật tự trong cơ sở giáo dục và nơi công cộng". Điều 61 Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 quy định: "Các hành vi người học không được làm 1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác. 2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. 3. Tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 4. Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật" Trước đó, Điều 6 Thông tư 10 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 5/4/2016 quy định các hành vi sinh viên không được làm, cụ thể: 1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác. 2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin Điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác. 3. Hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, bia khi đến lớp học. 4. Tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh, trật tự an toàn trong cơ sở giáo dục đại học hoặc ngoài xã hội. 5. Tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. 6. Tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức. 7. Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng vũ khí, chất nổ, các chất ma túy, các loại dược phẩm, hóa chất cấm sử dụng; các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước; tổ chức, thamgia, truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động tôn giáo trong cơ sở giáo dục đại học và các hành vi vi phạm đạo đức khác. 8. Thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể mang danh nghĩa cơ sở giáo dục đại học khi chưa được Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học cho phép. 9. Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet. 10. Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật khác. |
T.H