Bỏ qua thông lệ của lãnh đạo TQ về công du sau Đại hội đảng, ông Tập gửi 4 thông điệp lớn
Sau khi trở thành lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội đại biểu lần thứ 18 của đảng này vào năm 2012, và được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc thay ông Hồ Cẩm Đào ngày 14/3/2013, ông Tập Cận Bình đã chọn Nga là nước đầu tiên trong chuyến công du của mình.
Còn lần này, tại Đại hội 19 (18-24/10/2017), ông Tập được bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ hai, đồng thời "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" được ghi vào Điều lệ đảng. Ông chọn Việt Nam làm nước đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài của mình, sau khi dự Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, tiếp đó là tới Lào. Cả hai nước đều là nước Xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, điều này có ý nghĩa đặc biệt.
Thông qua phát biểu của ông Tập ở APEC CEO Summit và hoạt động trong chuyến thăm Việt Nam, Lào, dư luận nhìn chung cho rằng Trung Quốc đã gửi đi một số thông điệp mới.
Sự điều chỉnh về chính sách đối ngoại
Sau khi lãnh đạo Trung Quốc lên nắm quyền, địa điểm công du đầu tiên có ý nghĩa lớn, thể hiện chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong giai đoạn mới.
Trước đây lãnh đạo Trung Quốc thường chọn Nga, CHDCND Triều Tiên, tức ưu tiên ở phía bắc. Nhưng với điểm đến là Việt Nam và Lào sau Đại hội 19, năm nay Trung Quốc ưu tiên phía nam.
Dư luận cho rằng đây là một thông điệp cho thấy Bắc Kinh sẽ có điều chỉnh chính sách đối ngoại, coi trọng quan hệ láng giềng thân thiện hơn, nhất là vai trò của Trung Quốc đối với ASEAN, cũng như các nước có ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới
Trong chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc cũng phát đi một thông điệp quan trọng về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, có thể mô tả là "thời đại Tập Cận Bình".
Trung Quốc coi trọng và sẵn sàng giúp đỡ các mặt đối với các nước có ý thức hệ tương đồng, kêu gọi các bên đoàn kết, quan hệ tốt với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để giữ gìn và phát triển Chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Tránh tình trạng mâu thuẫn, xung đột như quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên thời gian qua.
Trung Quốc cho rằng "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" được thăng hoa, phát triển khoa học. Đây là một cống hiến mới của Trung Quốc về mặt lý luận cũng như thực tiễn đối với con đường phát triển của Chủ nghĩa xã hội khoa học trên thế giới, và Trung Quốc sẽ đổi mới tư duy trong phát triển quan hệ với các nước Xã hội chủ nghĩa.
Trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kết quả Đại hội 19 của Trung Quốc, Đặc phái viên của ông Tập Cận Bình, Trưởng ban đối ngoại Trung ương Trung Quốc, ông Tống Đào nói: "Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam nhìn nhận mối quan hệ hai nước từ tầm cao hơn và chiều sâu hơn, nắm chắc ý nghĩa đặc biệt của mối quan hệ này, không quên ý nguyện ban đầu, nắm tay nhau cùng tiến, thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung không ngừng tiến thêm một nấc thang mới, thúc đẩy sự nghiệp Xã hội chủ nghĩa mở ra một thế giới mới."
Trong bài viết cho Báo Nhân dân trước thềm chuyến thăm Việt Nam, tiêu đề "Mở ra cục diện mới tình hữu nghị Trung-Việt", ông Tập Cận Bình cho hay: "Bước vào thời kỳ mới, chúng ta cùng nhau tìm kiếm con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình nước mình…
Hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến khó lường, hai Đảng, hai nhà nước Trung – Việt đều đứng trước rất nhiều vấn đề mới, thách thức mới giống nhau. Là người láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt có tiền đồ giống nhau, cùng chung vận mệnh, chúng ta cần bảo vệ và phát triển tốt quan hệ hai nước, duy trì sự ổn định ở mỗi nước, cùng giúp nhau đi sâu cải cách, cải thiện dân sinh, cùng nhau thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa tiến lên, thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và phát triển mở cửa."
Theo ông, "Là láng giềng và đối tác hợp tác quan trọng của nhau, hai nước Trung-Việt đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng Sản lãnh đạo, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong khối cộng đồng cùng chung vận mệnh… để cống hiến cho ổn định và phát triển trong khu vực và toàn thế giới."
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, sáng ngày 13/11/2017 (Ảnh: Xinhua)
Tân Hoa Xã dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị nói trong cuộc gặp với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh khi đến Việt Nam hồi đầu tháng: "Ý nghĩa thế giới quan trọng nhất của Đại hội 19 là mở ra con đường cho các nước phát triển đi lên hiện đại hóa."
"Ngoại giao Trung Quốc thời đại mới là tiến hành thiết kế thượng tầng, tập trung khái quát cho việc thúc đẩy xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới, thúc đẩy xây dựng khối cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại. Trong quá trình xây dựng hai cấu trúc này, Phía Trung Quốc nguyện coi Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng," ông Vương cho hay.
Các nhà bình luận cho rằng chuyến công du của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào Việt Nam, Lào trong vai trò đối tác quan trọng trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Duy trì xu thế cải cách mở cửa
Mặc dù Trung Quốc chống tham nhũng quyết liệt, nhưng công cuộc cải cách mở cửa và xu thế phát triển kinh tế vẫn được duy trì. Đây cũng là thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới các nước.
Phát biểu tại APEC CEO Summit, ông Tập Cận Bình giới thiệu về tình hình phát triển các mặt của Trung Quốc thời gian qua, nhất là về cải cách, mở cửa và tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021, và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2050.
Theo ông, Trung Quốc đã giúp “hơn 60 triệu người ở Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói trong 5 năm qua”.
"Thông qua đi sâu cải cách toàn diện, Chúng tôi đã phá bỏ những trở ngại về thể chế ngăn cản sự phát triển. Trung Quốc thúc đẩy toàn diện việc tạo ra sáng tạo mới, thực tiễn mới, chế độ mới, văn hóa mới và các mặt khác…
Chúng tôi tiếp tục kiên trì đảm bảo và cải thiện dân sinh trong phát triển, thực hiện mục tiêu tới năm 2020 giải quyết thoát nghèo cho dân chúng ở nông thôn, xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện cho hơn 1.3 tỉ dân Trung Quốc, không thiếu một người".
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại APEC CEO Summit ở Đà Nẵng, chiều ngày 10/11/2017 (Ảnh: Xinhua)
Sức mạnh lớn, nghĩa vụ và trách nhiệm cũng lớn
Trong chuyến công du sau Đại hội 19, chủ tịch Tập Cận Bình cũng phát đi một thông điệp “Năng lượng của Trung Quốc càng lớn thì nghĩa vụ và trách nhiệm với thế giới càng lớn”.
Ông cho hay, là thực thể kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, Trung Quốc nhận thức được trách nhiệm của mình và đã chủ động thích ứng, nắm bắt và dẫn dắt trạng thái mới của nền kinh tế thế giới... và "trở thành nguồn động lực chủ yếu của kinh tế thế giới".
Ông khẳng định Trung Quốc “sẽ thúc đẩy tiến trình mới về xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới, thúc đẩy xây dựng khối cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại, làm chiếc neo giữ vững hòa bình ổn định của thế giới và Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trung Quốc nắm chắc quan điểm đúng đắn giữa quyền lợi và nghĩa vụ, tích cực phát triển mối quan hệ đối tác toàn cầu, cùng các nước mở rộng điểm hội tụ lợi ích chung, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng có lợi. Trung Quốc giữ vững quan niệm cùng thương lượng, cùng xây dựng, cùng hưởng lợi, tích cực tham gia vào công cuộc cải cách và xây dựng hệ thống quản lý toàn cầu, thúc đẩy trật tự chính trị và kinh tế quốc tế phát triển theo hướng công bằng, hợp lý hơn.”
"Một Trung Quốc có động lực phát triển càng đầy đủ hơn, nhân dân đồng tình mạnh mẽ hơn, cùng thế giới hòa nhập sâu rộng hơn, thì Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội càng nhiều hơn, cống hiến càng lớn hơn," ông Tập gửi thông điệp.
Ông cam kết “Trung Quốc sẽ giúp đỡ nhiều hơn để các nước đang phát triển thu được nhiều lợi ích hơn trong lĩnh vực đầu tư quốc tế”, “thúc đẩy giúp đỡ cùng nhau phát triển, trọng điểm là đại lục Á, Âu, Phi.
Trung Quốc cam kết “mở cửa đối với tất cả các nước, tăng cương giúp đỡ đối với các tầng lớp khó khăn”.
Trong chuyến công du đầu tiên sau Đại hội 19, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi đi rất nhiều thông điệp mới quan trọng đối với khu vực và thế giới. Điều quan trọng thời gian tới là Trung Quốc sẽ thực hiện những cam kết của mình như thế nào./.
Lễ đón chính thức Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 12/11/2017
Nhà báo Kiều Tỉnh