Bộ GTVT trả lời nhiều vấn đề "nóng" về các trạm thu phí BOT
Giải pháp nào “cứu” tuyến đường BOT Thái Nguyên – Chợ Mới?
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.746,3 tỷ đồng do liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc làm chủ đầu tư.
Trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới, đơn vị tư vấn đã xem xét phương án đầu tư theo hướng mở rộng Quốc lộ 3 hiện tại từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, đặt trạm trên Quốc lộ 3 để hoàn vốn. Tuy nhiên, do đường hiện hữu qua nhiều khu đông dân cư, nhiều đoạn có địa hình đặc biệt khó khăn, kinh phí đầu tư lớn (khoảng 3.600 tỷ đồng), tổng chi phí người sử dụng sẽ cao hơn.
Để hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư được sử dụng 2 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và trên Quốc lộ 3 hiện tại (Km 77+922) để hoàn vốn trên cơ sở sự thống nhất cao của liên bộ: Tài chính, GTVT và 2 tỉnh là Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn.
Tuy nhiên, do có sự không đồng thuận của một số người dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để hoàn vốn.
Để có cơ sở quyết định, Bộ GTVT đã cho phép nhà đầu tư thu phí tại trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ ngày 25/1/2018. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) giám sát chặt chẽ, minh bạch doanh thu sau 3 tháng để có số liệu khoa học nhằm xây dựng phương án thu phí cho dự án phù hợp.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng doanh thu sau 3 tháng chỉ đạt khoảng 6,7 tỷ đồng (tương đương 12,4% so với doanh thu theo hợp đồng), thiếu hụt so với phương án tài chính tại hợp đồng khoảng 47,5 tỷ đồng (87,6%). Như vậy, nếu chỉ thu phí tại trạm Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ không khả thi, phá vỡ phương án tài chính của dự án.
Giảm tối đa mức phí cho phương tiện đi qua trạm trên Quốc lộ 3
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 23/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận “không sử dụng ngân sách bù đắp hoặc mua lại các dự án”.
Với phương án giữ nguyên trạm thu phí trên Quốc lộ 3, thực hiện giảm phí cho các phương tiện và bổ sung nâng câo cải tạo Quốc lộ 37 đoạn từ Đèo Khế đến Bờ Đậu cũng được nhận định là không khả thi. Do việc cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu (Quốc lộ 37) bằng nguồn vốn BOT không phù hợp với Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của UBTVQH.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đã thống nhất lựa chọn phương án giảm tối đa mức phí cho các phương tiện khi đi qua trạm Quốc lộ 3.
Cụ thể, giảm từ 50-100% phí đối với phương tiện của người dân thuộc khu vực lân cận trạm; Giảm 30% phí đối với các phương tiện khác (ngoài khu vực lân cận trạm).
Đối với việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn từ Đèo Khế đến Bờ Đậu, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ khẩn trương nghiên cứu phương án triển khai bằng vốn bảo trì.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có văn bản thống nhất về phương án giảm phí tại trạm Quốc lộ 3 gửi Bộ GTVT. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, hướng dẫn các chủ phương tiện kê khai, đăng ký giảm phí theo phương án đã thống nhất.
UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành đúng chủ trương về đầu tư BOT nói chung và việc thu phí hoàn vốn cho dự án nói riêng. Có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực trạm theo Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Trạm BOT Tân Đệ chưa hết thời hạn thu phí
Trạm BOT Tân Đệ, tỉnh Thái Bình.
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình phức tạp diễn ra tại trạm BOT Tân Đệ, tỉnh Thái Bình, Bộ GTVT đã khẳng định thông tin trạm hết hạn thu phí là không chính xác.
Theo thông tin Bộ GTVT cung cấp, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ theo hình thức BOT triển khai thực hiện từ năm 2007 với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 715,72 tỷ đồng. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 7/2012, sử dụng trạm thu phí cầu Tân Đệ để thu phí hoàn vốn. Thời gian thu phí theo hợp đồng dự kiến 21,33 năm.
Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào chi phí đầu tư được quyết toán, lưu lượng xe thực tế qua trạm, thời gian thu phí đã được Bộ GTVT và nhà đầu tư điều chỉnh theo quy định, đến thời điểm ký Phụ lục hợp đồng bổ sung hạng mục tuyến tránh Đông Hưng tháng 10/2016, thời gian thu phí của đoạn tuyến từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ dự kiến 10 năm 3 tháng (từ tháng 4/2009 đến tháng 6/2019).
Ngày 28/1/2015, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Thái Bình, báo cáo của Bộ GTVT và ý kiến góp ý của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung hạng mục tuyến tránh Quốc lộ 10 qua thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào dự án.
Hạng mục tuyến tránh Đông Hưng có chiều dài 6,5km, tổng mức đầu tư 434,207 tỷ đồng và sử dụng trạm thu phí cầu Tân Đệ để thu phí hoàn vốn. Dự kiến, khi tuyến tránh Đông Hưng hoàn thành đưa vào khai thác sẽ phân bổ doanh thu tại trạm Tân Đệ (khoảng 40%) để hoàn vốn cho tuyến tránh.
Thời gian thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Đông Hưng khoảng 3 năm 1 tháng (từ tháng 1/2018 đến tháng 1/2021). Thời gian thu phí cho toàn bộ dự án (bao gồm cả hạng mục tuyến tránh Đông Hưng) khoảng 11 năm 9 tháng.
Do vậy, việc bổ sung hạng mục tuyến tránh Đông Hưng vào Hợp đồng BOT dự án là theo đề xuất của UBND tỉnh Thái Bình, được UBND, HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thống nhất bằng văn bản và Bộ GTVT triển khai đúng quy định của pháp luật.
“Thông tin về trạm thu phí đã hết thời hạn vào tháng 5/2018 là không chính xác”, Bộ GTVT nêu rõ trong văn bản báo cáo Thủ tướng.
N.H (t/h)