Bộ ba chủ nợ 'bắt tay' trong đàm phán với chính phủ Hy Lạp
Ảnh: Minh họa.
Trong những ngày qua, Athens và các chủ nợ từ các nước Eurozone, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang chạy đua để đạt được một thoả thuận nhằm giúp Hy Lạp thoát khỏi tình trạng vỡ nợ và nguy cơ phải rời khỏi Eurozone.
Sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ngân hàng châu Âu (ECB), Uỷ ban châu Âu (EC) và IMF diễn ra tối qua tại Berlin, người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết: “Các nhà lãnh đạo đã nhất trí cuộc đàm phán (nợ với Hy Lạp) phải tiếp tục với một cường độ thực chất”.
Các nhà lãnh đạo Eurozone đã đặt hạn chót vào ngày thứ sáu tuần này để kết thúc các cuộc đàm phán “ì ạch” với chính phủ Hy Lạp nhằm có thêm thời gian cho phép các bộ trưởng khu vực và các thể chế tài chính quốc tế thông qua được một thoả thuận và bảo đảm sự ủng hộ của quốc hội để giải ngân khoản viện trợ đang bị đóng băng trước khi gói cứu trợ cho Hy Lạp hết hạn vào cuối tháng 6.
Theo kế hoạch, Athens sẽ phải trả khoản nợ 300 triệu euro cho IMF vào thứ sáu này trong bối cảnh những nghi ngờ ngày càng gia tăng về khả năng đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ tài chính của Hy Lạp.
Hy Lạp kiên quyết chống điều khoản thắt lưng buộc bụng
Cuộc họp bất ngờ của các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, ECB, IMF và EC vào tối qua diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đưa ra một loạt chỉ trích các chủ nợ quốc tế dù trước đó ông vừa có cuộc điện đàm được cho là khá tích cực với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm tìm kiếm sự đột phá trong quá trình đàm phán về gói cứu trợ giữa Athens với các chủ nợ quốc tế .
Trong một bài báo trên nhật báo Le Monde của Pháp, Thủ tướng Alexis Tsipras đã cáo buộc các chủ nợ quốc tế áp đặt “các điều kiện vô lý” và coi thường nền dân chủ của nước này.
“Việc không đạt được các thoả thuận cho tới nay không phải do Hy Lạp không khoan nhượng, không cam kết và đưa ra lập trường thiếu nhất quán. Mà nguyên nhân là do các chủ nợ khăng khăng áp đặt các điều kiện vô lý và hoàn toàn khác biệt với sự lựa chọn dân chủ của người dân Hy Lạp”, Thủ tướng Tsipras viết trong bài báo.
Ông cũng nói thêm, Chính phủ Hy Lạp đã nhân nhượng đối với yêu cầu tư nhân hóa của châu Âu, cải cách hệ thống thuế giá trị gia tăng và hệ thống lương hưu, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Thay vì tăng cường các chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, Athens muốn cải cách theo hướng nâng cao doanh thu bằng cách áp dụng mức thuế suất đặc biệt đối với những người giàu có, kiểm soát nạn trốn thuế và thực hiện đấu thầu các chương trình phát thanh truyền hình và các loại giấy phép khác.
Trong sáng nay, Bộ trưởng Lao động Hy Lạp Panos Skourletis tuyên bố, chính phủ Hy Lạp không thể chấp nhận các nhượng bộ thêm nữa trong các cộc đàm phán và các chủ nợ quốc tế phải nhận trách nhiệm vai trò của họ trong các cuộc thương thuyết này.
Phát biểu trên kênh truyền hình Skai, ông Skourletis nói: “Không còn chỗ cho thêm cam kết nào nữa. Chúng tôi đang đợi phía bên kia nhận trách nhiệm của mình”, và giờ là lúc cho một giải pháp “chính trị” đối với cuộc khủng hoảng này.
Còn Người phát ngôn Quốc hội Hy Lạp, ông Nikos Filis khi được hỏi liệu Athens sẽ chấp nhận “ký hay rời khỏi” bản thoả thuận đã khẳng định lại rằng, chính phủ Athens sẽ không thể ký một bản thoả thuận không phù hợp với chương trình chống thắt lưng buộc bụng của mình.
Cho đến nay, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế nhằm tiến đến thỏa thuận để giải ngân số tiền 7,2 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ đã nhất trí trước đó vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan. Trong khi đó, nguy cơ Hy Lạp rơi vào tình trạng vỡ nợ và ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung euro ngày càng lớn.
Theo nhandan.com