Bloomberg: Người trẻ Việt rất giỏi tận dụng Facebook để khởi nghiệp kiếm tiền
Anh Quang Đăng đang có một cơ sở kinh doanh với 200 nhân viên, chuyên về bán son môi và nước hoa. Bí quyết thành công của anh Đăng rất đơn giản: tận dụng Facebook.
Cũng tương tự như nhiều người Việt Nam khác, anh Đăng đã tận dụng Facebook như là nơi để thực hiện thương mại điện tử khi việc khởi nghiệp với các cửa hàng, chi nhánh là quá tốn kém và không hiệu quả. Chỉ với 223 USD tiền tiết kiệm, anh đã bắt đầu kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội.
Phần lớn trong số 95 triệu người dân Việt Nam sử dụng Facebook như một trang mạng xã hội chia sẻ thông tin cá nhân, giao lưu, mở rộng quan hệ xã hội và giờ đây là kinh doanh. Trong khi vai trò của Facebook ngày càng tăng trong xã hội, quan điểm của chính phủ về trang mạng này còn khá mâu thuẫn.
Ước tính hơn 56 triệu người Việt Nam sẽ dùng mạng xã hội vào năm 2021
"Chính phủ có hiện có những quan điểm khá trái chiều về Facebook", ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Mỹ cho biết: "Các bộ chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế muốn thúc đẩy điều này. Đối với những người làm nhiệm vụ an ninh, Facebook lại gây ra những vấn đề".
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở cửa cho các tập đoàn công nghệ từ Thung lũng Silicon như Alphabet (Google). Đây là một động thái mở cửa hơn rất nhiều so với Trung Quốc, nước đã chặn Facebook, Google và Twitter, mở đường cho các dịch vụ địa phương như WeChat, QQ, Baidu và Weibo phát triển.
Quay lại câu chuyện của anh Quang Đặng, trước khi kinh doanh ngành mỹ phẩm, anh gặp rất nhiều khó khăn để nuôi gia đình với nghề lái xe taxi. Anh Quang bắt đầu công việc kinh doanh với 200.000 lượt theo dõi trên Facebook và bắt đầu phát triển, để rồi mở 4 cửa hiệu bán mỹ phẩm và 1 cửa hàng spa tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Nguyên nhân duy nhất khiến tôi có thể thành công như vậy là nhờ sử dụng các trang mạng xã hội. Miễn là Facebook còn tồn tại thì chuyện kinh doanh của tôi vẫn có thể mở rộng”, anh Quang nói.
Facebook không hề có hệ thống thanh toán trực tuyến tại Việt Nam nên hầu hết các trang kinh doanh thu tiền mặt của khách hàng qua những người giao hàng (shipper). Bất chấp những rủi ro trong hệ thống thanh toán này, sự tiện dụng của Facebook khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng khi hệ thống hành chính, thủ tục trong nước còn kém hiệu quả.
Thông thường, các doanh nhân phải thanh toán phí khi xây dựng một trang web kinh doanh, phải tốn hàng tháng để hoàn tất thủ tục đăng ký. “Nếu bạn mở một cửa hàng trên phố, bạn sẽ có thể bị làm phiền bởi hàng chục cơ quan chức năng trong 1 tuần”, ông Thành nói.
Theo Giám đốc chiến lược cao cấp Monica Peart của Emarketer, Việt Nam là một nước có dân số trẻ với gần 60% số người dưới 35 tuổi. Những người trẻ tuổi này đang bị cuốn hút bởi các mạng xã hội như Facebook và Việt Nam đã trở thành một trong những nước dẫn đầu toàn cầu về độ phổ biến của mạng xã hội.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch cấp cao Joe Nguyen của ComScore cho biết những người Việt Nam tốn nhiều thời gian cho mạng xã hội nhiều hơn phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khác cũng như có hứng thú sử dụng chúng làm nền tảng kinh doanh hơn các nước láng giềng.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy tình trạng như vậy ở các nước khác. Người Việt rất có chí kinh doanh. Tất cả mọi người đều muốn bán một thứ gì đó”, ông Joe nói.
Thông số khá tốt của cổ phiếu Facebook
Còn cảnh giác
Mặc dù vai trò của Facebook đang ngày một lan rộng trong xã hội nhưng chính phủ nhiều nước Đông Nam Á khác còn khá cảnh giác với trang mạng này. Thái Lan đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet địa phương phối hợp với hãng Menlo Park để kiểm soát các nội dung bất hợp pháp. Trong khi đó, Indonesia yêu cầu Google, Twitter và Facebook giám sát, thanh lọc các nội dung liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, bạo lực chủng tộc, nội dung khiêu dâm và lạm dụng trẻ em.
Tại Việt Nam, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Facebook đã đồng ý xóa hàng trăm tài khoản bị quy kết là làm tin giả. Facebook cũng tuyên bố hãng đã xây dựng một quy trình để chính phủ các nước có thể báo cáo các hoạt động phạm pháp nhằm dỡ bỏ những nội dung này.
Chủ tịch Tim Bajarin của Creative Strategies nhận định Facebook đang phải đối mặt với các rắc rối tương tự Apple ở Trung Quốc khi hãng phải loại bỏ các ứng dụng và xây dựng riêng một trung tâm dữ liệu địa phương nhằm đáp ứng các yêu cầu từ chính phủ.
Với việc mở của nền kinh tế, các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng trở nên có giá. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 10% nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó số liệu của chính phủ cho thấy những hoạt động kinh doanh trên Facebook đã tuyển dụng được 2,3% tổng lao động, tương đương 1,1 triệu người Việt.
“Sử dụng Facebook hiện đã trở thành một phần của văn hóa Việt và đây cũng đang trở thành mỏ vàng thực sự cho kinh doanh”, nhà khởi nghiệp Cam Vu với 300 nhân viên và có kinh doanh tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar nói.
AB