Bitcoin sẽ thay đổi bộ mặt của ngành thương mại hàng hóa nguyên vật liệu
Mới đây, hãng BP, ABN Amro và Mercuria Energy đã tuyên bố ứng dụng công nghệ Blockchain cho quá trình vận chuyển dầu khí. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như UBS, International Business Machines đã liên kết sử dụng công nghệ mới này cho các nền tảng thương mại. Hãng Natixis và Trafigura cũng tuyên bố rằng họ sẽ ứng dụng Blockchain cho các giao dịch dầu mỏ.
Theo Giám đốc điều hành Eric Evin của hãng Reality Shares, nhờ công nghệ mới này mà giờ đây nhiều giao dịch của mảng hàng hóa nguyên vật liệu hay thương mại sẽ được hoàn thành và tiết kiệm thời gian cho những thủ tục giấy tờ phiền phức.
Không chỉ mảng dầu khí, các nông dân ở Ukraine cũng được hưởng lợi khi chính phủ nước này quyết định ứng dụng công nghệ Blockchain cho việc đăng ký đất trồng với lý do các thủ tục hành chính truyền thống dễ phát sinh các tệ nạn tham nhũng hoặc sơ sót trong số liệu.
Trong mảng thực phẩm, các chuyên gia cũng cho rằng công nghệ mới này có thể giảm thiểu các sai sót khi vận chuyển và phân phối nguyên liệu. Số liệu của đại học Michigan State cho thấy ngành thực phẩm toàn cầu mất tới 40 tỷ USD hàng năm do những sai phạm trong khâu nguyên liệu.
Vào tháng 4/2017, hãng IBM đã tuyên bố hợp tác với một loạt công ty như Walmart, Nestle, Unilever… nhằm xây dựng hệ thống Blockchain kiểm soát cho các doanh nghiệp này. Theo IBM, các công ty thực phẩm thường mất tới hàng tuần để xác định nguồn gốc nguyên liệu khi có sự cố xảy ra trong khi Blockchain có thể làm điều này trong vài giây.
Mới đây, hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc JD cũng đã tuyên bố liên doanh với Walmart, IBM để xây dựng hệ thống Blockchain nhằm kiểm tra chất lượng sản phẩm sau hàng loạt những cáo buộc về nạn hàng giả ở Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, tập đoàn vận tải Moller Maersk cũng quyết định hợp tác với IBM nhằm phát triển hệ thống Blockchain quản lý vận chuyển. Số liệu của Hiệp hội vận tải toàn cầu (GATF) cho thấy khoảng 16 nghìn tỷ USD hàng hóa nguyên vật liệu được vận chuyển trên thế giới mỗi năm và chi phí hành chính cho những giao dịch này chiếm tới 7%. Bằng việc ứng dụng Blockchain, các công ty có thể cắt giảm đáng kể chi phí thương mại.
Đối với những nước chuyên xuất khẩu hàng hóa như Venezuela hay Australia, việc ứng dụng tiền ảo và Blockchain vào hệ thống giao dịch có sức hút vô cùng lớn khi thị trường này trải qua 1 năm 2017 đầy biến động. Chính phủ Venezuela đã tuyên bố sẽ phát hành tiền ảo riêng được bảo đảm bằng dầu khí, vàng hoặc kim cương trước tình hình đồng nội tệ của quốc gia này rớt giả thảm hại. Phía Australia cũng tuyên bố đang xem xét việc ứng dụng công nghệ tiền số nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa nguyên vật liệu, một trong những mảng chính thúc đẩy tăng trưởng cho nước này.
Bất chấp các lợi thế của Blockchain, nhiều chuyên gia cho rằng thế giới cần thời gian để thích ứng với công nghệ mới. Việc dịch chuyển dữ liệu sẽ cần thời gian. Trong khi đó nhiều công ty tỏ ý lo ngại khi đặt hết dữ liệu công ty lên mạng.
Vào tháng 7/2017, startup Blockchain CoinDash cho biết họ đã bị tin tặc tấn công và thất thoát 7 triệu USD tiền của các nhà đầu tư dùng để thực hiện góp vốn thông qua tiền ảo. Vào tháng 11 cùng năm, hãng Tether cho biết các tin tặc đã lấy mất 31 triệu USD tiền ảo từ công ty.
AB