Bình Thuận: Khai thác hiệu quả kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An. |
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km với ngư trường rộng 52.000 km2, có đảo Phú Quý ngoài khơi cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (120 km). Toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã, thành phố ven biển và hải đảo. Nghề cá phát triển từ lâu, nhất là ở các địa phương: Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi và Phú Quý, hình thành nên truyền thống và nét văn hóa nghề cá đặc sắc. Vùng biển Bình Thuận tiếp giáp, liên thông với các ngư trường lớn của cả nước như khu vực Trường Sa - Nhà giàn DK1, tỉnh có lợi thế phát triển khai thác hải sản trên các vùng biển khơi, xa bờ.
Nhân dịp Đại hội XIII của Đảng, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An về chiến lược phát triển biển đảo của tỉnh.
Xin đồng chí cho biết, các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của tỉnh Bình Thuận?
Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 192 km, diện tích vùng lãnh hải rộng 52.000 km2, có tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đi qua, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Trong đó, huyện đảo Phú Quý có vị trí chiến lược về kinh tế biển, quốc phòng - an ninh và Hòn Hải (thuộc đảo Phú Quý) có cột mốc A6 thuộc đường cơ sở của Việt Nam; trên vùng biển của tỉnh có mỏ dầu khí đang khai thác... Đây là những tiềm năng, lợi thế rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch, năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời…), phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản... gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động số 60-CTr/TU với mục tiêu đến năm 2045, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn. Theo đó, tỉnh xác định, để phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, phát triển kinh tế biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lở vùng ven biển và bảo vệ môi trường biển…
Trên cơ sở đó, trước hết, tỉnh sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tăng cường tính liên kết ngành và liên kết vùng gắn với lợi thế của từng ngành, từng vùng để có định hướng phát triển phù hợp. Trong đó, vùng ven biển sẽ trở thành vùng động lực thúc đẩy phát triển với việc phát triển các đô thị, khu du lịch; khu, cụm công nghiệp - dịch vụ ven biển; các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG và hệ thống cảng biển, tuyến đường ven biển. Các ngành ưu tiên phát triển ở khu vực này là du lịch, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ logistics.
Đối với du lịch, lấy thế mạnh về biển và cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu du lịch đẳng cấp với các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, chữa bệnh, thể thao biển, du lịch MICE… Mục tiêu trong 5 năm tới, ngành Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và 10 năm tới, Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với công nghiệp, tỉnh đồng thời thúc đẩy hai lĩnh vực gồm công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng. Tỉnh ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và điện khí hóa lỏng LNG. Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới nhưng rất hiệu quả về mặt kinh tế, phát huy bền vững tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đã đăng ký đầu tư và xin khảo sát thăm dò với tổng công suất lên đến 22.000 MW, tuy nhiên, khả năng chấp thuận phụ thuộc vào quy hoạch điện 8 và những vấn đề khác liên quan đến biển, đảo. Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh tập trung thu hút các ngành phụ trợ cho ngành điện (thiết bị điện, điện tử, tấm pin mặt trời...), chế biến nông, lâm, thủy sản.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển và đảo Phú Quý như triển khai đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Hàm Tân - La Gi (xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân); xây dựng thông suốt tuyến đường ven biển từ phía Bắc đến phía Nam của tỉnh; xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, nâng cấp các cảng cá. Ngoài ra, tỉnh phát triển hài hòa giữa khai thác và nuôi trồng hải sản, gắn với chế biến tạo giá trị gia tăng cao, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và phát triển dịch vụ hậu cần trên biển; tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm ngư trên vùng biển Bình Thuận để thực hiện bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác bấp hợp phát, không báo cáo, không theo quy định (IUU) gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tỉnh Bình Thuận có đảo Phú Quý là hậu cứ của Trường Sa. Do vậy, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý, vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển, vừa là căn cứ chi viện hậu cần, kỹ thuật cho khu vực quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; đồng thời xây dựng Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và trung tâm tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển khu vực Nam Trung Bộ. Tỉnh sẽ nâng cao tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tập trung xây dựng, củng cố quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Đồng thời, quan tâm chăm lo toàn diện đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội các địa phương ven biển và huyện đảo Phú Quý.
Xin đồng chí cho biết những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Thuận với Đại hội XIII về định hướng phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong nhiệm kỳ tới?
Khai thác tiềm năng biển, đảo là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả quốc gia có biển và không có biển trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt. Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành một nước mạnh về biển và làm giàu từ biển. Kinh tế biển không phải chỉ là việc đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên trên biển. Dựa trên nền tảng mà biển đem lại, sự kết hợp của những ngành kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… tạo nên sự phát triển của kinh tế biển.
Nhìn lại bức tranh kinh tế biển Việt Nam trong thời gian qua, tuy có những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thách thức và chưa phát huy hiệu quả tiềm năng của một đất nước có chiều dài bờ biển trên 3000 km. Đó là việc phát triển quá nóng, thiếu quy hoạch, quản lý kém và đầu tư manh mún hạ tầng ở các vùng ven biển. Hoạt động đánh bắt hải sản chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Một số sự cố về môi trường và vấn đề vệ sinh môi trường, rác thải của các khu dân cư ven biển đã và đang có những tác động xấu đến môi trường biển. Vì vậy, yêu cầu phát triển kinh tế biển một cách hài hòa, bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là yêu cầu, nhiệm vụ vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài.
Để phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, khả năng lan tỏa mạnh gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, do vậy song song với phát triển kinh tế biển cần thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường, bảo vệ bờ biển và quy hoạch biển để thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững. Hiện nay, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, để quản lý tốt hơn, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống, công cụ pháp lý về biển, về khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt.
Đối với tỉnh Bình Thuận, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Ở cách tiếp cận rộng, ngành năng lượng và du lịch ở tỉnh Bình Thuận cũng là một bộ phận hình thành nên kinh tế biển. Như đã nói ở trên, tỉnh đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển và bước đầu đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn những “nút thắt”, những bất cập. Nếu được tháo gỡ, tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển của Bình Thuận sẽ được giải phóng mạnh mẽ, Bình Thuận sẽ bứt phá, phát triển nhanh hơn.
Điều mà người dân Bình Thuận đang mong chờ là tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết. Chủ trương xây dựng sân bay đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt; là sân bay lưỡng dụng, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng vừa phục hàng không dân dụng. Hiện nay, tỉnh đã giải phóng gần 600 ha, đủ để xây dựng sân bay với đường băng, nhà ga, hệ thống hạ tầng liên quan… Tỉnh Bình Thuận mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sớm triển khai xây dựng để sân bay sớm đi vào hoạt động, giúp Bình Thuận gỡ được nút thắt về đường hàng không.
Cùng với đó, vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khai thác, dự trữ khoáng sản Titan với các quy hoạch khác như đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp khiến cho các dự án không thể triển khai, tiềm năng đất đai không được giải phóng, cản trở sự phát triển kinh tế. Tỉnh Bình Thuận là địa phương có trữ lượng sa khoáng Titan lớn nhất nước, với diện tích trên 82 ngàn héc ta, chiếm hơn 10% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt, tỉnh mong muốn Nghị định này sớm được ban hành, giúp cho Bình Thuận sớm triển khai các dự án trên mặt, phát huy tài nguyên đất đai, đồng thời đảm bảo khai thác bền vững gắn với chế biến sâu tài nguyên khoáng sản.
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, có nhiều bãi biển đẹp phát triển du lịch nhưng cũng có nhiều bờ biển thường xuyên bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa, tài sản của nhân dân. Do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, việc xây dựng các công trình kè chống xâm thực, sạt lở chưa được đồng bộ, dẫn đến “được nơi này thì lở nơi kia”, tính bền vững lâu dài chưa cao. Tỉnh mong muốn các bộ, ngành Trung ương quan tâm tham mưu Chính phủ có các chương trình hỗ trợ xây dựng hệ thống kè biển ở những vùng xung yếu theo hướng vừa là công trình chắn sóng, chống xâm thực, sạt lở vừa là công trình phòng thủ quân sự dọc tuyến biển khi có tình huống xảy ra.
Đối với huyện đảo Phú Quý, Trung ương cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng trên đảo, góp phần xây dựng huyện đảo Phú Quý mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Bảo vệ chủ quyền gắn với phát triển kinh tế biển Là quốc gia trải dài ven biển với khoảng 1/3 dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh/thành giáp biển đóng góp khoảng hơn 50% tổng GDP, Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của biển trong chiến lược bảo vệ an ninh, chủ quyền và phát triển. |
Điểm dân cư liền kề chốt biên giới - Hậu phương vững chắc bảo vệ chủ quyền Sau hơn 3 tháng xây dựng, Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành (Tây Ninh) đã hoàn thành và bàn giao cho người dân, đánh dấu quá trình hiện thực hóa Đề án xây dựng Điểm dân cư biên giới liền kề. |
Việt Nam sở hữu vũ khí chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo Năng lực quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển đảo được nâng cấp, từng bước hiện đại, giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự vệ, bảo vệ chủ quyền biển đảo. |