Big C đòi chiết khấu cao khiến DN rút hàng: Bước đệm cho hàng Thái tràn vào?
Ảnh minh họa từ Zing
Zing.vn ngày 7/5 có bài viết cho biết Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn cho ban lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.
Theo VASEP một số doanh nghiệp (DN) trong CLB hàng nội địa VASEP phản ánh, năm qua, một số hệ thống siêu thị lớn đổi chủ dẫn tới xáo trộn nhân sự và hoạt động, ảnh hưởng đến cả siêu thị và DN cung cấp hàng. Trong tháng 3 và 4/2016, nhiều siêu thị gửi thư đến các DN đề xuất tăng chiết khấu. Trong đó, Big C là siêu thị đưa ra mức tăng cao nhất, tăng thêm 4,25%-5,5%, lên mức 17%-25%.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh sản xuất - kinh doanh khó khăn như hiện nay, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng của các DN. Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không DN nào đáp ứng được, nếu chấp nhận thì sẽ thua lỗ.
Cũng theo VASEP, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, hiện các nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị, như mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi…
Do chịu không nổi mức chiết khấu “khủng” của Big C, một số DN thủy sản đã rút hàng khỏi hệ thống này. Gần đây, Big C gửi thư mời DN quay lại cung cấp hàng, nhưng do chưa thống nhất mức chiết khấu nên không nhà cung cấp nào nhận lời.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, đại diện Big C Việt Nam cho biết hệ thống này chưa nhận được văn bản của VASEP nên chưa thể bình luận, Zing cho biết.
Thông tin này ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, chủ yếu đặt nghi vấn rằng liệu đó có phải là cách Big C bắt đầu để đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị này?
Chẳng hạn, bạn đọc Anh Nguyen nói: "Sau khi Bic C được người Thái mua lại, họ chèn ép doanh nghiệp VN để họ rút khỏi hệ thống siêu thị, để toàn bộ hàng Thái của họ vào siêu thị và giờ hàng VN mình trong siêu thị rất ít, đa số là hàng Thái".
"Họ ép doanh nghiệp Việt Nam chiết khấu cao nhằm mục đích đánh bật hàng VN ra khỏi hệ thống của họ. Chắc tuần sau Big C tràn ngập hàng TQ mác Thái rồi đây", bạn đọc nickname Dan Biet nói. Tương tự là ý kiến của các bạn Vĩnh Long: "Họ đang đẩy hàng VN ra khỏi Big C. Nếu vậy, Big C sẽ có toàn hàng made in Thailand"; Tùng Văn: "Họ đang đẩy hết hàng Việt ra khỏi Big C để thay bằng hàng Thái à?".
Nhiều bạn đọc như Thai Le còn kêu gọi tẩy chay Big C: "Nếu như vậy tôi không bao giờ vào Big C mua hàng nữa nếu cách hành xử Big C như vậy".
Cuối tháng 4/2016, thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam đã chính thức kết thúc khi Central Group giành thắng lợi với mức giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD).
Với kết quả thương vụ chuyển nhượng này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, ý đồ người Thái “đổ bộ” đầu tư cả sản xuất, phân phối hàng… tại Việt Nam coi như đã thành công.
“Đừng vui, đừng lạc quan khi thấy Big C được người Thái mua lại. Đây lạ là cảnh báo đáng ngại cho thị trường bán lẻ Việt, người sản xuất và cả người tiêu dùng Việt”, ông nói và phân tích người Thái thay vì sản xuất hàng ở Việt Nam, sẽ sản xuất hàng hoá tại Thái và vận chuyển sang Việt Nam. Và như thế, trên các kệ của 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm của Big C Việt Nam tới đây sẽ lại tràn ngập hàng Thái.
Big C thực chất đối với Central Group là một điều đặc biệt, vì chuỗi bán lẻ này chính là “con đẻ” của tập đoàn từ năm 1993. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 1997, Central phải bán lại Big C cho Casino Group. Nhưng mong mỏi giành lại “đứa con bị bỏ rơi” năm xưa là động lực chính để Central Group thể hiện quyết tâm trong thương vụ này.
Và sau thương vụ Big C Việt Nam được bán cho tập đoàn Thái Lan lần này, 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái.
A.T tổng hợp