Bệnh viện ĐK Hà Đông nhận định ban đầu nguyên nhân tử vong của bệnh nhân mổ xương
Nguyên nhân có thể do tắc mạch do mỡ
Theo ông Đào Thiện Tiến – Giám đốc Bệnh viện ĐK Hà Đông, bệnh nhân C. được chẩn đoán gãy kín phức tạp cổ xương cánh tay phải, được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật kết hợp xương lúc 10h30 ngày 9/5.
Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, kết hợp bằng nẹp khóa trên màn tăng sáng. Trước khi kết thúc cuộc mổ vào khoảng 13h30, bệnh nhân trong tình trạng mê dưới tác dụng của thuốc, xuất hiện diễn biến bất thường (suy hô hấp, SpO2 giảm, huyết áp tụt). Các nhân viên kíp mổ đã cố hết sức hồi sức cho bệnh nhân, mời hội chẩn liên viện (bệnh viện 103). Sau gần 2 giờ cấp cứu, tình trạng bệnh nhân không tiến triển, bệnh nhân tử vong hồi 16h ngày 9/5. Chẩn đoán: Suy hô hấp - suy tuần hoàn không hồi phục chưa rõ nguyên nhân sau mổ kết hợp xương gãy cổ xương cánh tay phải.
Ông Đào Thiện Tiến (ngồi giữa) thông tin về vụ việc bệnh nhân C. tử vong tại bệnh viện. Ảnh M.P
“Chúng tôi đã đình chỉ 2 kíp liên quan đến vụ việc. Nhận định ban đầu nguyên nhân của vấn đề tai biến có thể do tắc mạch do mỡ. Trong y văn, chuyên môn người ta có đề cập, thực tế lâm sàng có gặp. Cơ chế trong tủy xương có nhiều tổ chức mỡ, khi vỡ nát đầu trên xương, trong quá trình phẫu thuật, tác động, khoan, bắt vít bắt nẹp có thể mỡ đó vào đường tĩnh mạch, lên tim, gây tắc mạch. Tuy nhiên đây là nhận định ban đầu, chúng tôi không khẳng định, kết luận trường hợp này cần có cơ quan chuyên môn”, Giám đốc Bệnh viện ĐK Hà Đông nhận định về nguyên nhân có thể dẫn đến việc bệnh nhân tử vong.
Trả lời PV về việc người nhà bệnh nhân thấy anh C. nằm một mình tìm tái ở phòng hậu phẫu, ông Tiến nói: Đến 16h ngày 9/5 bệnh nhân đã tử vong. “Nếu có sự việc người nhà bệnh nhân vào phòng mổ nhìn thấy bệnh nhân thế này, thế kia cũng có thể xảy ra. Nếu xảy ra việc, người nhà bệnh nhân có thể vào khu vực đó là lỗi của cả hai phía. Thứ nhất là lỗi vi phạm của nhân viên không thực hiện đúng quy trình khu mổ để người lạ xâm nhập. Sự xâm nhập đó cũng là lỗi của gia đình bệnh nhân vì ở đó có biển không phận sự miễn vào hoặc khu vực phẫu thuật vô trùng không phận sự miễn vào, phần lỗi của cả hai phía. Tôi khẳng định, khoảng thời gian người nhà bệnh nhân vào được khu vực đó là thời gian đã ngừng quá trình cấp cứu, nếu có bệnh nhân đã tử vong rồi. Đây là nhận định mang tính chất sơ bộ”.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng khẳng định, trong sự việc này, nếu phát hiện sai sót, phía bệnh viện sẵn sàng chấp nhận với tinh thần sai đâu sửa đó, không giấu giếm, không bao che.
“Chúng tôi thực hiện đúng theo yêu cầu của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, xử lý nghiêm, thực hiện đúng các quy trình trong quy định kiểm thảo tử vong và xác định rõ nguyên nhân sự việc. Nếu có sai phạm chúng tôi sẽ xử lý với tinh thần nghiêm túc kiểm điểm cho những lần sau”, ông Tiến nhấn mạnh.
Bác sĩ Phó trưởng khoa Chấn thương tiến hành phẫu thuật
Tại buổi trao đổi với báo chí, Giám đốc Đào Thiện Tiến cho biết, phụ trách ca mổ cho bệnh nhân C. là một bác sĩ Phó trưởng khoa Chấn thương.
“Phó trưởng khoa Chấn thương có chuyên môn thâm niên công tác 20 năm. Là phẫu thuật viên cứng, là người có kinh nghiệm, kỹ năng tốt về chuyên ngành. Phẫu thuật chấn thương phức tạp nhất như thay khớp háng, hay phức tạp hơn ca này nhiều anh ấy phụ trách”, Giám đốc Tiến nói.
Vị Giám đốc bệnh viện nói: "Khi bệnh nhân tử vong chúng tôi rất đau xót. Chúng tôi không mong muốn điều đó xảy ra nhất là bệnh nhân tuổi còn trẻ, là trụ cột trong gia đình. Mất mát đó rõ ràng là cú sốc rất lớn với gia đình người bệnh. Trước tình hình này, mọi cán bộ viên chức của bệnh viện thấy trách nhiệm của mình lớn, cần chia sẻ, động viên với người bệnh và làm bất cứ điều gì mà gia đình yêu cầu thì bệnh viện đáp ứng".
Tại buổi họp của Bệnh viện ĐK Hà Đông, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng bày tỏ tình cảm chia sẻ mất mát với gia đình bệnh nhân. Bà Hà khẳng định, các cơ quan hữu quan sẽ có trách nhiệm điều tra, làm rõ vụ việc.
M.Phương