Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phát triển "nóng" hậu COVID-19
Cen Cuckoo thương hiệu khởi đầu cho dòng bất động sản Logistic |
Đẩy lùi COVID-19, bất động sản có thể trở lại ngay cuối năm |
Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong công tác ngăn chặn dịch COVID-19 hiệu quả nhất. Chính vì vậy, nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại, trong đó lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang được kỳ vọng sẽ nhanh chóng bứt phá hồi phục trong quý III/2020. So với BĐS nhà ở, đất nền là những nhu cầu thiết yếu hàng đầu của con người thì BĐS du lịch - nghỉ dưỡng lại gặp khó khăn hơn khi nhu cầu du lịch của người dân vẫn chưa trở lại.
Bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. |
Chị Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) trăn trở: "Hồi tháng 3, mình đã đặt vé và phòng đi Đà Lạt nhưng vì dịch mà phải bán lại lỗ một nửa. Dù bây giờ không còn phát hiện thêm ca mắc virus mới nhưng nhà mình vẫn chưa yên tâm để đi du lịch".
Trái ngược với lo lắng của chị Phương Anh, anh Nam Vũ (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Mình cùng bạn bè vừa có chuyến đi Cát Bà đợt 30/4 vừa rồi và cảm thấy không có gì đáng lo ngại. Dịch bệnh hầu như cũng được kiểm soát tốt, giá cả đang rẻ nên tội gì phải ở nhà".
Nhà đầu tư chưa thể định hình được tình hình hoạt động
Gần đây, việc cho phép mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh doanh của các nhà hàng và khách sạn được xem là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình hồi phục phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư, chủ khách sạn vẫn chưa thể định hình được tình hình hoạt động trong thời gian tới cũng như không thể ước tính bao lâu nguồn cầu mới quay trở lại mức tăng trưởng trước đây. Trong giai đoạn này, phần lớn các nhà hàng, khách sạn đều áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần hoặc hoàn toàn hoạt động kinh doanh để cắt giảm chi phí, chỉ giữ lại các nhân sự chủ chốt cũng như chuẩn bị kế hoạch đi vào hoạt động trở lại.
Chia sẻ với Thời Đại về vấn đề chủ đầu tư, Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup cho biết: "Từ đầu năm đến nay có khoảng vài chục nghìn người hồi hương cũng như khách du lịch đến nước ta. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái thì con số này không đáng kể. Do đó không thể dự báo được bao giờ tình hình du lịch sẽ hồi phục lại được".
"Thậm chí, chính quyền khuyến khích người Việt đi du lịch trong nước cũng không giải quyết được vấn đề kinh doanh, chỉ duy trì được tình trạng vật chất chứ không thể sinh lời được. Các khu du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang giảm giá sâu nên không còn lời lãi. Theo tôi, BĐS du lịch - nghỉ dưỡng sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong khoảng từ 6 tháng đến một năm mới có hy vọng quay trở lại", Shark Hưng nói thêm.
Nguồn cầu trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi lớn cho các chủ khách sạn. Thời gian tới đây, khách du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ là phân khúc đầu tiên phục hồi trở lại do chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", triển khai từ 1/6 - 31/12/2020 của Tổng cục Du lịch phát động.
Nguồn vốn cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghỉ dưỡng giai đoạn này. Theo nhiều chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đang trong giai đoạn cầm cự vì gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Ngoài việc cắt giảm chi phí một cách triệt để, các chủ sở hữu khách sạn đang hướng đến giải pháp trung hạn thông qua việc tìm kiếm vốn đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu hoặc từ các tổ chức tín dụng cho vay linh hoạt hoặc dài hạn.
Triển vọng mới cho BĐS du lịch - nghỉ dưỡng hậu COVID-19
Lĩnh vực BĐS du lịch - nghỉ dưỡng sẽ có nhiều triển vọng sau muôn vàn khó khăn từ dịch COVID-19. |
Từ đầu tháng 5 đến nay, các khu du lịch, nghỉ dưỡng đã sẵn sàng hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp, địa phương trong lĩnh vực này cũng đã mạnh dạn tung ra các chương trình kích cầu du lịch trên quy mô lớn nhằm đón đầu lượng khách đến nghỉ dưỡng sau thời gian dài cách ly xã hội.
Du lịch là ngành công nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bất ổn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.
Nói về triển vọng về nguồn vốn cho BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, chuyên gia tài chính PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay: “Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng mạnh đồng nghĩa thị trường BĐS tại Việt Nam sẽ nóng lên nhanh chóng thời gian tới”.
Ngoài việc kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí du lịch phù hợp cùng vẻ đẹp thiên nhiên phong phú có thể giúp Việt Nam tiếp tục được ghi nhận là điểm đến an toàn. Hơn hết, các hãng hàng không trong nước đang dần mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, mới nhất là Vietnam Airlines mở lại đường bay đi Hàn Quốc ngày 15/5 vừa qua.
Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa, tạo nền tảng để vực dậy ngành du lịch và BĐS du lịch sau đại dịch thì ngoài chất lượng phục vụ, yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để tạo ra nguồn doanh thu mới. Theo đó, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cần đưa ra chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng.
"Với việc tung ra những gói khuyến mại cho khách du lịch trong nước, các chủ đầu tư BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn có doanh thu nhưng không có lợi nhuận, chỉ cố gắng giảm bớt thua lỗ là tốt rồi. Tuy nhiên, động lực chính của du lịch, nghỉ dưỡng chính là nguồn khách nước ngoài chứ không phải người Việt", Shark Hưng nhấn mạnh.
Nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Tiếp sau đó, việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia sẽ thúc đẩy ngành du lịch và BĐS du lịch - nghỉ dưỡng Việt Nam phát triển theo.
Trước đó vào tháng 4, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phát biểu trong Hội nghị Quốc tế do FIABCI Asia Pacific tổ chức: "Ngoài BĐS nhà ở và BĐS công nghiệp thì du lịch và BĐS du lịch cũng sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh hơn các ngành nghề khác khi đại dịch kết thúc".
"Do là điểm đến an toàn nên nhóm BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng. Trước hết, dựa trên cầu nội địa và sau đó từ các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc", ông Bình lý giải.
Giống như phân khúc BĐS nhà ở, nút thắt lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng là vấn đề về pháp lý. Hiện tại, Chính phủ đang đưa ra nhiều tháo gỡ kịp thời cho ngành BĐS nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ tạo ra công cụ hỗ trợ kích thích hồi phục nhanh hơn bao giờ hết.
Với tình hình dịch bệnh đã được khống chế cùng nhiều biện pháp kích cầu từ các doanh nghiệp cũng như địa phương, ngành BĐS du lịch - nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ vực dậy được trong 6 tháng cuối năm. Mặt bằng giá chắc chắn sẽ giảm nên càng thu hút được lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước sắp tới.
Phân khúc nghỉ dưỡng trước dịch COVID-19 phải đối mặt với tình trạng thắt chặt tín dụng với bất động sản. Đặc biệt là condotel - loại hình BĐS khiến nhiều nhà băng lo ngại về rủi ro pháp lý khiến ngân hàng chặt chẽ, cẩn trọng khi cho vay. Nguồn cung giảm cũng là nhân tố khiến các nhà đầu tư chùn bước. Ở giai đoạn phát triển "nóng," Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh... mỗi nơi đều đón nhận hàng chục nghìn căn hộ condotel. Cùng với đó, sự rà soát, thanh kiểm tra công tác quản lý đất đai ở một số tỉnh, thành cũng khiến BĐS nghỉ dưỡng sụt giảm mạnh về nguồn cung, thậm chí ở nhiều nơi không có thêm dự án mới trong năm 2019. Cộng hưởng những yếu tố đó, BĐS du lịch - nghỉ dưỡng trước dịch bệnh đã sụt giảm về lượng cung và cầu với biên độ lớn, cả ở phân khúc condotel và biệt thự biển. Mức sụt giảm dao động 30-50% so với năm ngoái. |
Cen Cuckoo thương hiệu khởi đầu cho dòng bất động sản Logistic Sáng nay, công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ CenLand đã công bố và ra mắt thương hiệu Cen Cuckoo. Đây là thương ... |
Đẩy lùi COVID-19, bất động sản có thể trở lại ngay cuối năm Nền kinh tế đang dần trở lại, cùng với đó ngành (bất động sản) BĐS dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng được kỳ vọng ... |
Bất động sản nghỉ dưỡng có thực sự bùng nổ sau dịch COVID-19 như dự báo? Là một trong những nước đầu tiên kiểm soát thành công dịch COVID-19, Việt Nam đang là điểm đến sáng giá cho các nhà đầu ... |