Bảo vệ môi trường khi nhận chìm chất nạo vét luồng hàng hải
Quang cảnh Hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Cục Hàng hải Việt Nam, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), các giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực môi trường biển... đã thảo luận, đóng góp ý kiến về đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam về việc nhận chìm 200.000 m3 vật chất nạo vét luồng hàng hải trong khu vực biển Đà Nẵng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng Phòng Khoa học, công nghệ và môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết luồng hàng hải Đà Nẵng là tuyến luồng quốc gia, tổng chiều dài 9,742 km, độ sâu 11 m. Năm 2017-2020, do khó khăn về vị trí đổ chất nạo vét nên tuyến luồng không được nạo vét, duy tu, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác luồng tàu. Vì vậy, việc nạo vét duy tu đảm bảo chuẩn tắc tuyến luồng là rất cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Theo ước tính, khối lượng nạo vét dự kiến khoảng hơn 200.000 m3 vật chất. Kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để thực hiện nạo vét là 46 tỷ đồng. Khi được giao khu vực biển có vị trí nhận chìm chất nạo vét ổn định, dự kiến kế hoạch thực hiện nạo vét duy tu hàng năm từ 2022-2025 với khối lượng trung bình khoảng 150.000 m3/năm. Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị đổ chất nạo vét tại vị trí có tọa độ 16012’14” vĩ Bắc – 108016’01” kinh Đông (cách bán đảo Sơn Trà khoảng 5 km về phía Bắc), là vị trí đã đổ năm 2016 và đã được UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho năm 2021 - 2025.
Bà Trần Thị Tú Anh cho biết thêm, kết quả phân tích các năm 2014, 2017 cho thấy thành phần chất nạo vét tại luồng hàng hải Đà Nẵng chủ yếu là hạt bụi có đường kính rất nhỏ (chiếm trung bình khoảng 80%), lượng cát chỉ chiếm trung bình khoảng 20% trong thành phần chất nạo vét; chưa có dấu hiệu ô nhiễm, các thông số phân tích đều nằm trong quy chuẩn cho phép.
Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho rằng, việc nhận chìm vật chất nạo vét luồng hàng hải để phục vụ kinh tế là chuyện bình thường trên thế giới. Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã quy định rõ về việc nhận chìm ở biển như: các yêu cầu về vật chất nhận chìm, khu vực biển nhận chìm, yêu cầu về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế...
“Ở đây cần làm rõ, không phải đổ chất thải xuống biển, mà là nạo vét những vật chất có sẵn dưới biển như cát, bùn và đổ sang chỗ khác. Tuy nhiên, việc đánh giá chất nạo vét và xác định các khu vực nhận chìm ở biển cần thiết phải có kế hoạch tổng thể để quản lý hoạt động nhận chìm trên biển” - Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn cho biết.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), với vị trí nhận chìm hiện tại khá xa bờ, độ sâu khá lớn, dòng chảy mạnh nên hầu như sẽ không có tác động gì tới các hoạt động du lịch, ảnh hưởng không đáng kể đến hệ sinh thái san hô, cỏ biển xung quanh bán đảo Sơn Trà.
Ông Vũ Thanh Ca đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu sử dụng chất nạo vét này như một nguồn khoáng sản có ích. Cụ thể, chất nạo vét có thành phần chính là cát nên rất cần được tận dụng để nuôi bãi, bảo vệ bờ, Đà Nẵng có thể xác định các khu vực bị xói lở bờ biển và chở cát tới nhận chìm tại các doi cát phía ngoài. Khi đó, sóng mạnh gần bờ sẽ rửa trôi dần bùn và sóng dài vào mùa hè sẽ mang cát bồi đắp vào bãi, nước có thể đục trong thời gian nhận chìm, nhưng sẽ bồi lắng rất nhanh, và không gây ảnh hưởng lớn.
Hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đều thống nhất Đà Nẵng cần nạo vét luồng hàng hải để phát triển kinh tế, vì vậy cần tìm vị trí thích hợp để nhận chìm chất nạo vét nhưng phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, không để ảnh hưởng đến môi trường, biển đảo.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Tô Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo. |
Kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng những ý kiến, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học rất quý giá, bổ ích. Quan điểm của thành phố Đà Nẵng xuyên suốt trong tất cả Nghị quyết, chương trình hành động là luôn khẳng định phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Với dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tham mưu, báo cáo cho UBND thành phố. Bên cạnh đó, Sở đang đề xuất thành phố nghiên cứu, quy hoạch các vị trí nhận chìm trong tương lai, để phục vụ cho sự phát triển chung của các dự án kinh tế biển, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Cứu nạn kịp thời một thuyền trưởng tàu đánh cá bị nạn trên biển Tình trạng nạn nhân hết sức nguy kịch với đa chấn thương nghiêm trọng, tổn thương vùng mặt, mất nhiều máu, bắt buộc phải sớm tiếp cận y tế để bảo toàn tính mạng và tránh các di chứng nguy hiểm. |
Việt Nam-Philippines tăng cường quan hệ hàng hải, hợp tác an ninh lương thực Chiều ngày 17/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp Đại sứ Philippines Meynardo Los Banos Montealegre. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Philippines và nhấn mạnh Việt Nam cam kết bảo đảm cung cấp gạo ổn định, lâu dài cho Philippines. |
Đội tàu biển Việt Nam hiện đứng 30 trên thế giới Cục Hàng hải cần làm việc với các chủ tàu, rà soát lại tất cả đội tàu của các công ty vận tải lớn để nắm tình hình vận tải để có cơ sở xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền cơ chế phát triển đội tàu. |