Bảo tồn văn hoá Hre
Căn nhà của Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn, ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi được xem như một bảo tàng thu nhỏ. Trên căn gác nhỏ, cả trăm hiện vật nào là chiêng, ché, các loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt, lao động sản xuất của người Hre được ông Bôn sưu tầm, lưu giữ hơn chục năm nay. Có vật được ông trao đổi, mua bán và có vật được đồng bào Hre trao tặng. Nhưng quý hơn cả là giá trị văn hoá truyền thống của các hiện vật có tiền chưa chắc đã mua được. Nhiều vật dụng quý như bộ Niêu mốt gồm ba chiếc nồi đồng nhỏ của người Hre xưa. Các hiện vật này được ông Đinh Công Bôn cất giữ cẩn thận, sắp xếp khoa học và ghi chú cụ thể theo từng loại.
Bảo tàng văn hoá Hre thu nhỏ của Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn, ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. |
“Mình cũng là một người con của đồng bào dân tộc Hre, sống với bà con đồng bào. Ngày xưa, bà con sử dụng các loại nhạc cụ giải trí, tạo không khí vui vẻ cả làng. Tiếng cồng chiêng vang lên mừng lúa mới, đám cưới, đám hỏi, lễ hội đâm trâu… Bà con dùng các loại nhạc cụ, đặc biệt là cồng chiêng, mang tính cộng đồng rất lớn. Từ đó, mình suy nghĩ làm sao để giữ được những nét truyền thống văn hoá đó nên tôi quyết tâm bảo tồn, sưu tầm''.
Bộ sưu tập có nhiều vật dụng quý giá của người Hre xưa |
Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn năm nay ngoài tuổi 60 đã có hơn 10 năm sưu tầm vật dụng, nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Trước đây, ông Đinh Công Bôn từng là Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà. Mỗi lần đi công tác, xuống thôn, hay lúc rảnh rỗi, ông Bôn thường tìm hiểu, mua lại các vật dụng, nhạc cụ trong dân. Là người say mê với văn hoá dân tộc, ông Bôn còn dành thời gian học hỏi các già làng cách chế tác và chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Hre… Bảo tàng Hre thu nhỏ của già Bôn từ lâu là điểm đến quen thuộc của bà con dân làng hay những ai muốn tìm hiểu về văn hoá Hre. Anh Đinh A Men, xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà cho biết, ngoài việc sưu tầm, ông Bôn còn sẵn lòng truyền dạy cho các bạn trẻ Hre cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Bộ sưu tập có nhiều vật dụng quý giá của người Hre xưa. |
“Ông Bôn là người dân tộc Hre, rất hiểu biết về nhạc cụ của dân tộc Hre. Ông đã sưu tầm giữ lại tất cả các loại nhạc cụ như chiêng, ching kala, talí, brook… Ông đều lưu giữ hết. Ông Giữ được linh hồn, bản sắc văn hoá dân tộc Hre để con cháu hiểu biết phong tục, tập quán của người Hre''.
Ông Đinh Công Bôn còn dành thời gian học hỏi các già làng cách chế tác và chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Hre. |
Ngoài nghệ thuật trình diễn chiêng, người Hre còn có các loại nhạc cụ truyền thống phong phú, đa dạng như Chinh A nâng, Chinh Mang Linh, Cồng, Kloong vút, Tà vỗ, Đàn môi, Đàn Krâu, Đàn Ba rooc… và các làn điệu dân ca độc đáo như Ca lêu, Ca choi, Ta jeo, Ta ôi… Hàng năm, UBND huyện Sơn Hà đều tổ chức các lớp để các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ, chế tác, sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Hre. Địa phương này còn triển khai nhiều giải pháp bảo tồn văn hoá truyền thống của người Hre. Trong đó, tập trung phục dựng nhà sàn truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực Hre; sưu tầm công cụ lao động, sản xuất, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, trang phục của bà con Hre…
Ông Đinh Công Bôn giới thiệu cho bà con và những người tìm hiểu về văn hoá dân tộc Hre. |
Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá đồng bào Hre gắn kết phát triển du lịch cộng đồng: “Huyện đang song song triển khai khu bảo tồn văn hoá Hre, phục dựng các nhà sàn, tiếp tục bảo tồn các làng nghề truyền thống, các nhạc cụ của người dân… Tổ chức cho các con học tiếng Hre, hát Ca choi, Ta jeo… bảo tồn văn hoá phi vật thể Hre''.