Báo Mỹ: Việt Nam có thể mua tiêm kích thế hệ 5 PAK FA đầu những năm 2020
Có một giai đoạn Mỹ luôn duy trì quan điểm cho rằng tiêm kích thế hệ 5 F-35 Joint Strike Fighter sẽ lấn át cơ hội của các mẫu máy bay chiến đấu khác trên thị trường. Các cuộc cạnh tranh sẽ dần vắng bóng khi F-35 chi phối nhu cầu toàn cầu.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đã xuất hiện một xu hướng mới từ nhiều quốc gia trên thế giới khi họ lựa chọn phương án thay thế máy bay chiến đấu cũ, bởi không phải nước nào cũng đủ tiềm lực tài chính để đầu tư vào tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ.
Theo số liệu từ công ty tư vấn Avascent Analytics, hiện trên thế giới có tổng cộng 54 dự án cạnh tranh chế tạo máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tấn công đang hoặc có thể sẽ được tiến hành. Nếu chỉ tính các dự án đã được công bố thì có 21 dự án, trong đó 7 dự án ở châu Á, 4 dự án ở châu Mỹ, 8 dự án ở châu Âu và 2 dự án ở Trung Đông, Bắc Phi.
Tính chung, các dự án cạnh tranh đã được công bố ở những khu vực trên từ năm 2011-2017 có giá trị khoảng 106,7 tỷ USD. Trong đó Trung Đông và Bắc Phi chiếm 1,1 tỷ USD, châu Âu - 8,8 tỷ USD, châu Á - 44,8 tỷ USD và Mỹ - 52 tỷ USD.
Dưới đây là 5 chương trình lớn nhất trong số dự án đã được công bố.
1. Máy bay ném bom tầm xa của Mỹ
Tháng 10/2015, Không quân Mỹ đã trao cho tập đoàn Northrop Grumman hợp đồng phát triển và chế tạo máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới, định danh là B-21.
Gần đây, Northrop đã đạt tới một dấu mốc quan trọng khi hoàn tất đánh giá thiết kế sơ bộ.
Trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ về vấn đề răn đe hạt nhân, tướng Stephen Wilson - Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ cho biết ông nhận được bản báo cáo đều đặn cập nhật tình hình của chương trình này.
"Mọi việc đang tiến triển và chúng tôi hài lòng với hướng đi hiện nay" - ông Wilson nói.
Phần lớn chương trình được bảo mật, mức chi phí dưới đây do Avascent dự đoán.
- Giá trị ước tính (2011-2027): 45,3 tỷ USD
- Số lượng đã/sẽ chuyển giao (2011-2027): 6
2. Máy bay chiến đấu đa nhiệm tương lai của Ấn Độ
Ấn Độ đã xúc tiến kế hoạch trang bị 100 máy bay tầm trung chiếm ưu thế trên không để thay thế các tiêm kích MiG-21, MiG-25 và MiG-27. Cơ hội cạnh tranh được mở rộng cho các hãng chế tạo.
- Giá trị ước tính (2011-2027): 7,5 tỷ USD
- Số lượng đã/sẽ chuyển giao (2011-2027): 60
3. Việt Nam với tiêm kích thế hệ 5
Do đã mua số lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ 4 Su-30 nên Việt Nam có thể sẽ mua tiêm kích thế hệ 5 PAK FA của Nga vào đầu những năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam có thể mua thêm các chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 để tăng cường năng lực tác chiến.
- Số lượng đã/sẽ chuyển giao (2011-2027): 33.
Hiện chưa rõ 33 chiếc này có bao gồm 12 chiếc Su-30MK2 thuộc hợp đồng ký năm 2010 hay chưa.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK-FA
4. Dự án KF-X của Hàn Quốc
Chương trình KF-X nhằm thay thế phi đoàn F-5 từ năm 2020 đang bị chậm trễ. Indonesia là đối tác của Hàn Quốc trong chương trình này và sẽ chia sẻ 20% chi phí.
- Giá trị ước tính (2011-2027): 8,4 tỷ USD
- Số lượng đã/sẽ chuyển giao (2011-2027): 20
5. Chiến đấu cơ đa nhiệm của Nhật Bản
Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) dự kiến sẽ trang bị tới 100 máy bay mới vào năm 2030.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ trao hợp đồng cho nhà thầu vào mùa hè năm 2018.
- Giá trị ước tính (2011-2027): 17,9 tỷ USD
- Số lượng đã/sẽ chuyển giao (2011-2027): 42
QS