Báo Mỹ ca ngợi bánh mì Việt Nam: Nhất định phải đến Hội An để tìm kiếm món ăn nức tiếng thế giới
Theo bảng xếp hạng từ website du lịch uy tín Traveller.com.au của nước Úc, cùng với nhiều món sandwich khác, bánh mì Việt Nam được nhiều du khách cực kỳ yêu thích và có tên trong bảng xếp hạng 10 món sandwich ngon nhất thế giới.
Ngày 24/3/2011, từ "Bánh mì" đã được vinh danh trong từ điển Oxford. Rất nhiều tờ báo nổi tiếng đã ca ngợi món ăn đường phố "ngon, bổ, rẻ" độc đáo này của Việt Nam. Trên CNN.com đã đăng tải một bài viết về "món sandwich ngon nhất thế giới" này với những địa chỉ nổi tiếng ở Hội An - địa điểm du lịch nổi tiếng, được bình chọn là nơi nhất định phải đến khi tới Việt Nam.
Dưới đây là toàn bộ bài viết, trải nghiệm của phóng viên CNN về món bánh mì ở Hội An:
Ở Việt Nam, bạn có thể hòa mình vào không khí yên bình của Phố cổ Hội An. Đi dạo, đạp xe hay thuê một chiếc xích lô để chầm chậm thưởng thức nhịp sống của nơi đây. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là nhất định phải tìm ăn món bánh mì trứ danh ở Hội An. Với tôi, đó là món bánh mì tuyệt vời nhất nơi đây, thậm chí là trên cả thế giới.
"Vua" của các loại sandwich trong lòng tôi là sự kết hợp hài hòa của một vài nền văn hóa: bánh mì vàng do người Pháp mang tới Việt Nam từ thế kỷ 19, pate lợn, thịt xá xíu có nguồn gốc từ Trung Quốc, jambong xuất xứ từ Mỹ, mayonnaise, hỗn hợp rau thơm của Việt Nam và tương ớt...
Để hỗ trợ tôi, Huỳnh Hữu Phước - một người gốc Hội An, người sáng lập các tour du lịch ẩm thực đường phố và các lớp học nấu ăn truyền thống đã liệt kê một số quán bánh mì hàng đầu tại Phố cổ Hội An.
"Nếu được chọn một món ăn ở Hội An, tôi nhất định sẽ nhắc tới bánh mì. Chúng tôi có món bánh mì tuyệt nhất thế giới. Ẩm thực là một phần trong văn hóa của chúng tôi. Đó là một niềm đam mê và cả một xu hướng. Bạn có thể thưởng thức món ăn này bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cho bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hoặc như một món quà vặt...", anh Phước giới thiệu về món bánh mì trứ danh.
1. Bánh mì Phi
Anh Phước nói rằng, "Hội An thực sự" không nằm trong khu phố cổ, vì thế chúng tôi di chuyển bằng xe máy về phía tây bắc, tới khu B. "Người địa phương không thực sự chú ý đến ẩm thực trong phố cổ. Họ chỉ tới đó vì công việc. Nếu bạn muốn quan sát cuộc sống thực sự và thưởng thức những món ăn đặc biệt, bạn phải tới khu B. Đó là nơi mà hầu hết người địa phương sinh sống".
Chúng tôi dừng lại ở một con phố khá vắng vẻ, Phước chỉ cho tôi tấm biển Bánh mì Phi: Một quầy làm bánh màu đỏ và những chiếc bàn bằng thép không gỉ. "Chủ cửa hàng là ông Đỗ Văn Phi, từng là đầu bếp của nhà hàng Nam Hải, hiện giờ là nhà hàng Bốn Mùa Nam Hải. Ông ấy có thâm niên lâu năm trong nghề đầu bếp", anh nói.
Chuẩn bị chỉ trong vài giây, chiếc bánh mì ngon lành ra lò với rất nhiều rau thơm như húng bạc hà, hành tây, rau mì và tương ớt tự làm. Điều làm nên sự đặc biệt của bánh mì ở đây là thịt ba chỉ quay. "Ba chỉ là phần thịt ngon nhất của con lợn, tuy nhiên, tùy thuộc vào con lợn, miếng thịt sẽ có hương vị khác nhau. Những con lợn được nuôi kiểu chăn thả sẽ cho thịt ngon hơn. Đó cũng là loại thịt mà ông Phi dùng để làm bánh mì", Phước nói.
Hằng sáng, ông Phi đi vào chợ trung tâm từ sớm để lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất từ những người bán hàng tốt nhất. Họ luôn dành cho ông những phần thịt ba chỉ ngon nhất.
Địa chỉ: Cẩm Phố, Hội An, 88 Thái Phiên, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam.
2. "Bánh mì nữ hoàng" nức tiếng - Madam Khánh
Cũng thuộc hàng top bánh mì ngon nhất Hội An, tiệm bánh Madam Khánh xứng đáng với danh hiệu "Bánh mì nữ hoàng". Chủ nhân của tiệm bánh mì này là bà Nguyễn Thị Lộc, năm nay đã 90 tuổi. Lúc đầu, quán được gọi là Bánh mì Khánh - theo tên của chồng bà Lộc chủ quán. Sau đó, khách nước ngoài tới đây thưởng thức, rồi bằng sự yêu mấn cũng như kính trọng đã đặt cho quán một cái tên "Tây" hơn - Bánh mì Madam Khánh hay "The Bánh mì Queen".
Bà Lộc bên quầy bánh mì nhỏ nổi tiếng Hội An. Ảnh: Internet.
Bà Lộc bắt đầu mở quán bánh mì từ năm 1975 và duy trì kinh doanh suốt hơn 40 năm qua. "Bánh mì của bà thực sự ngon lành với những thứ rau thơm tươi sạch và mayonnaise tự làm. Pate được làm tự gan lợn, nướng với hành, sả, tiêu xay, muối và một chút bột ngọt...", Phước mô tả.
Kể từ khi có sự hỗ trợ của con gái bà Lộc, tiệm bánh mì trở nên hiện đại hơn, phù hợp hơn với khách nước ngoài. Thực đơn của quán ngoài bánh mì truyền thống còn bao gồm bánh mì chay, bánh mì bò và bánh mì cá và bánh mì trứng ốp-la với sốt ngọt.
"Bánh mì ốp-la không truyền thống lắm. Trước kia, chúng tôi không ăn món đó, nhưng ý tưởng mới này được khá nhiều người thích. Nó cũng có hương vị rất tuyệt, nhưng tôi cần nhắc bạn là nó hơi ngọt và ít cay hơn bánh mì truyền thống", anh Phước giới thiệu.
Địa chỉ: 115 Trần Cao Vân, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.
3. Bánh mì Sài Gòn tại Hội An
Nằm ở phía tây Hội An, quán Bánh mì Sài Gòn là một điểm dừng chân đầy hoài cổ đối với Phước. "Khi còn nhỏ, tôi chạy tới đây hằng sáng để ăn bánh mì", anh Phước nhớ lại. Chủ nhân của quán là bà Tạ Thị Nghĩa, một người sinh ra tại TP. Hồ Chí Minh và đã sinh sống ở Hội An hơn 20 năm qua.
Tới đây với hy vọng xây dựng một cuộc sống mới, bà Nghĩa nhanh chóng mở quán bánh mì theo phong cách Sài Gòn và được người dân địa phương đón nhận. Không giống như các quán khác với một quầy bánh và vài chiếc ghế nhựa, quán Bánh mì Sài Gòn có không gian rộng rãi hơn.
"Bánh mì ở đây có hương vị khác biệt một chút bởi nó có nguồn gốc từ miền Nam. Chủ quán dùng thịt lợn với nhiều mỡ hay vì thịt xá xíu và rất nhiều ớt xanh, cay. Bà cũng dùng sốt mayonnaise tự làm từ trứng, dầu và sữa chua để tăng thêm vị chua", anh mô tả.
Một chiếc bánh mì Sài Gòn tại Hội An.
Nhưng hương vị ấn tượng nhất trong chiếc bánh là pate. Chiếc lò củi bên phải quầy bánh mở ra, bên trong là một mẻ pate gan lợn tươi đang được nấu. "Cách chính xác nhất để nấu pate là trong lò mở với ngọn lửa nhỏ, nấu thật chậm như thế này. Sau đó, họ để pate cháy một chút và nướng lại một lần nữa để khiến hương vị đậm đà hơn. Không thể vội vàng, món pate được nấu chậm rãi và từ từ", theo Eat Hội An.
"Công thức nấu ăn của chủ quán chịu ảnh hưởng một chút từ văn hóa Khmer. Họ ăn nhiều đường cọ và thường nêm nếm vào món ăn, vì vậy đồ ăn có xu hướng hơi ngọt", anh Phước nói.
Địa chỉ: 151 Trần Hưng Đạo, Hội An, Quảng Nam.
4. Bánh mì Phượng nổi tiếng thế giới
Đây là quán bánh mì nổi tiếng với khách nước ngoài nhất ở Hội An. Mỗi ngày, họ bán khoảng 3.000 - 4.000 chiếc bánh. "Bảy năm trước, một người đàn ông tới ăn bánh mì và nhận xét rằng: Đây là món bánh mì ngon nhất thế giới. Đó là đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain. Sau đó, quán bánh trở nên nổi tiếng khắp thế giới và thu hút rất nhiều du khách", anh Phước giới thiệu.
Quán bánh được mở bởi bố mẹ của bà Trương Thị Phượng khoảng 55 năm trước. Họ kinh doanh trong khoảng 25 năm sau đó để lại cửa hàng cho con gái lớn. Bà Phượng, trước đó là một giáo viên, đã dành toàn bộ thời gian để tiếp quản tiệm bánh với sự giúp đỡ của bạn trai lúc đó là ông Đặng Ngọc Châu.
Ông Châu đã từ bỏ công việc cảnh sát để hỗ trợ công việc tại quán bánh mì. Người đàn ông đó đã trở thành đầu bếp chính, sáng tạo ra công thức nước sốt đặc biệt của quán. "Từ bỏ công việc tốt để làm việc bếp núc, ông ấy thực sự có một tình yêu vĩ đại", Phước nhận xét.
Sau khi thu hút được sự yêu thích của người địa phương, cặp đôi đã tính đến chuyện mở một cửa hàng. Họ nhắm tới một vị trí chiến lược: Bên cạnh cửa hàng bánh nổi nhất Hội An.
"Điều quan trọng nhất của món ăn này chính là bánh mì. Bánh phải tươi, giòn bên ngoài và mềm bên trong. Họ đã lựa chọn vị trí rất thông minh. Giờ đây, họ luôn có sẵn nguồn bánh mì tươi", theo lời giới thiệu của Phước.
Về hương vị, tiệm bánh có thực đơn đa dạng từ bánh mì chay tới bánh mì thịt xông khói và thịt bò. Bánh mì truyền thống sẽ có bánh mì và các nguyên liệu tươi ngon như thịt lợn nướng, ớt cay và rất nhiều rau thơm, sốt mayonnaise...
"Chồng của bà Phượng chính là "linh hồn" của tiệm bánh. Ông ấy nắm tất cả công thức và dậy từ 4 rưỡi sáng mỗi ngày để chuẩn bị mọi thứ. Ông đặt toàn bộ trái tim vào tiệm bánh này".
Địa chỉ: 2B Phan Chu Trinh, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam.
4. Bánh mì cô Lành - hương vị của Hội An
Một quầy bánh nhỏ ở gần chùa Nam Quang, phía bắc Hội An, bánh mì lành là điểm đến của nhiều người dân địa phương. Kinh doanh hơn 30 năm, bà chủ quầy bánh Khưu Thị Lành làm một chiếc bánh rất nhanh.
"Đây là hương vị đích thực của Hội An. Họ cũng dùng bánh mì giống như Bánh mì Phượng với pate tự làm, nướng theo cách truyền thống với sả và nước sốt hàng. Khi thưởng thức bánh mì, người Hội An thường ngồi ngay ở những chiếc ghế bên cạnh quầy bánh, vừa ăn vừa thong thả ngắm phố phường. Cắn miếng bánh đầu tiên, hương vị có thể chưa thực sự ngon, nhưng đến miếng thứ 2 thì... Tuyệt! Đó là khi bạn cảm nhận được hương vị của các nguyên liệu hòa quyện trong một miếng bánh", Phước miêu tả.
Chiếc bánh không có vị quá ngọt hay quá ướt, nó vừa đậm đà vừa giòn thơm và khiến bất kỳ ai ứa nước miếng.
Địa chỉ: Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam.
Minh An