Báo giới Mexico biểu tình phản đối việc sát hại đồng nghiệp
Đoàn người biểu tình ở Thủ đô Mexico City, Mexico
Đồng nghiệp của nhà báo Adame đã viết dòng chữ khổng lồ "SOS Press" (tạm dịch: Hãy cứu lấy các nhà báo) trên nền đất ở Michoacan - tiểu bang ở phía Tây Mexico, nơi ông Adame bị bắt cóc và giết chết. Hành động tương tự cũng được thực hiện ở Thủ đô Mexico City và 6 tiểu bang khác trên khắp đất nước.
Khoảng 50 nhà báo đã đứng biểu tình trước tòa nhà chính quyền ở thủ phủ Morelia của Michoacan. Hàng chục người khác hiện diện tại quảng trường trung tâm Zocalo ở Thủ đô Mexico City. Họ im lặng giơ cao ảnh chân dung nhà báo Adame (44 tuổi) - người đứng đầu đài truyền hình khu vực Canal 6.
Ông Enrique Castro, người tổ chức cuộc biểu tình ở Morelia, cho biết: "Ý tưởng này nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ dễ bị tấn công mà tất cả chúng tôi đang gặp phải, bao gồm: nhiếp ảnh gia, quay phim, biên tập viên, cây viết - tất cả các nhà báo".
"Ở Mexico, bạn không bao giờ biết được ai sẽ tới giết chết bạn bởi lý do nào đi chăng nữa, dù là vì công việc như trường hợp của chúng tôi, hay vì tội phạm ngẫu nhiên hoặc sự tức giận của cá nhân" - ông Castro nhấn mạnh thêm.
Ông Salvador Adame (ảnh) là nhà báo thứ 6 bị sát hại ở Mexico từ đầu năm 2017
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia tự do Victor Galindo, người tham gia cuộc biểu tình ở Mexico City, nói với hãng thông tấn AFP: "Vấn đề là (thủ phạm) không bao giờ bị bắt giam, cũng không bao giờ bị kết án. Chúng cứ tiếp tục tấn công và sát hại chúng tôi".
Được biết, ông Adame bị các tay súng lạ mặt bao vây và bắt cóc hôm 18/5 ở thị trấn Nueva Italia. Ngày 26/6, các nhà chức trách tuyên bố họ đã phát hiện thi thể của ông trên một con đường ở địa phương.
Công tố viên Michoacan cho rằng động cơ bắt cóc và sát hại nhà báo Adame có thể là mâu thuẫn "cá nhân". Tuy nhiên, nhận định này đã bị gia đình và đồng nghiệp của nạn nhân chỉ trích. Những người này đang hối thúc cảnh sát xem xét liệu những bài viết điều tra của ông Adame có phải là động cơ gây án.
Theo AFP, nhà báo 44 tuổi bị bắt cóc chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto thề sẽ tăng cường bảo vệ cho các nhà báo và truy tố những kẻ tấn công họ.
Bạo lực nhằm vào báo giới Mexico đã gia tăng kể từ năm 2006 - thời điểm chính phủ nước này huy động quân đội triệt phá các tập đoàn ma túy khổng lồ trong nước. Kể từ đó, ít nhất 100 nhà báo đã thiệt mạng và hơn 20 người mất tích. Hơn 90% số vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Hồng Anh