Báo động ngoại giao Đài Loan: Tháng tới, đảo này sẽ mất thêm đồng minh về tay Trung Quốc?
Mới đây, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn lời Giáo sư Đài Loan Khâu Nghị dự đoán, sau khi El Salvador tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với đảo này hôm 21/8 vừa qua thì Vương quốc eSwatini (trước đây là Swaziland) - đồng minh duy nhất ở châu Phi có khả năng sẽ nối gót rời xa Đài Loan sau Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng sau.
Ông Khâu Nghị cho rằng, chính sách ngoại giao của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hiện không phù hợp tình hình thực tế nên ngoài El Salvador thì các nước bạn khác như Nicaragua, Honduras, Guatemala và Haiti cũng sẽ lần lượt "dứt áo ra đi".
Ngoài các nước ở Trung và Nam Mỹ, mối quan hệ giữa Đài Loan và một số đồng minh hiện nay ở Nam Thái Bình Dương cũng không chắc chắn, ông này nói.
Bà Thái Anh Văn trong chuyến thăm eSwatini hồi tháng 4. Ảnh: Văn phòng chính quyền Đài Bắc
Báo động ngoại giao
Về lý do El Salvador chấm dứt quan hệ với Đài Loan, ông Khâu cho biết, El Salvador nằm phía cực bắc của Trung Nam Mỹ, được coi là sân sau của nước Mỹ.
"Nhưng vì sao El Salvador lại thay đổi thái độ ư? Bởi khi một trận động đất lớn xảy ra ở El Salvador vào năm 2001, Washington đã đồng ý chấp nhận người tị nạn nhưng từ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, chính sách nhập cư bị thắt chặt khiến Trung Nam Mỹ không muốn trở thành sân sau của Nhà Trắng, cộng với việc kinh tế Trung Quốc bùng nổ dẫn đến sự thay đổi chiến lược của các nước này", Hoàn cầu dẫn lời ông Khâu Nghị cho biết.
Ông này cũng dự đoán, trong 1 đến 2 năm nữa, các quốc gia đồng minh ở Trung Mỹ sẽ lần lượt chấm dứt quan hệ với Đài Loan và thậm chí, Paraguay - đồng minh duy nhất ở Nam Mỹ vừa đón tiếp bà Thái cũng sẽ rất nhanh "nói lời chia tay" với Đài Bắc.
"Bà Thái Anh Văn tất nhiên cũng hiểu rằng, hiệu ứng domino "chấm dứt quan hệ ngoại giao" một khi đã phát sinh thì ngoại giao của Đài Loan cũng sẽ nhanh chóng sụp đổ", ông Khâu cảnh báo.
Theo ông này, điều đáng báo động chính là Thượng đỉnh diễn đài hợp tác Trung Quốc - Châu Phi sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây tại Bắc Kinh và chính phủ Trung Quốc được cho đang gia tăng sức ép đối với eSwatini.
"Tôi hy vọng rằng tất cả các nước châu Phi sẽ có thể xuất hiện trong một bức ảnh đại gia đình hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, hy vọng không ai bỏ lỡ cơ hội lịch sử bước lên chuyến tàu cao tốc phát triển của Trung Quốc, hy vọng không ai phiêu bạt bên ngoài cánh cửa hợp tác tốt đẹp Trung Quốc - Châu Phi", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Sao Tome and Principe Urbino Botelho hồi đầu năm.
Tuy nhiên, trước gợi ý hào phóng của Trung Quốc, eSwatini đến nay vẫn tuyên bố chắc chắn rằng sẽ không bỏ rơi Đài Loan bởi mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên trong hơn 50 năm qua.
-
Mỹ quyết đưa lính thủy đánh bộ tới Đài Loan dù Trung Quốc cảnh báo "động thái xâm lược"
Trước tấm thịnh tình của eSwatini, bà Thái kiên quyết cam kết sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ bằng các hình thức hợp tác, giao dịch và sâu sắc hóa quan hệ hữu nghị song phương.
Đáng chú ý, năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và eSwatini. Sau chuyến thăm của bà Thái tới eSwatini vào tháng Tư, quốc vương eSwatini cũng đã tới Đài Loan vào tháng Sáu và ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế.
Để duy trì mối quan hệ ngoại giao với eSwatini, Đài Loan đã thực hiện nghi thức bắn 21 phát đại bác trong lễ đón tiếp quốc vương Mswati III và mời nước này trở thành quan sát viên của cuộc tập trận quân sự Hán Quang.
Dù hai bên có sự tương tác khá mật thiết nhưng vẫn nhiều ý kiến bày tỏ sự thiếu lạc quan vào mối quan hệ nãy.
Ông Khâu Tiến Ích - nguyên đại diện ngoại giao của Đài Loan ở eSwatini từng chia sẻ, thực tế nguồn lực của Đài Loan vô cùng hạn chế, những gì đảo này có thể làm chỉ là "phòng thủ, phòng ngự tích cực mà không có cách nào để tấn công".
Ông Hoàng Khuê Bác - Phó Giáo sư Khoa Quan hệ đối ngoại, Đại học chính trị Đài Loan cho rằng: "Những khoản viện trợ của Đài Loan bao gồm công nghệ nông nghiệp và y tế đang dần không thể đáp ứng yêu cầu của eSwatini. Vậy khi eSwatini cần sự hỗ trợ công nghệ cao hơn, Đài Loan có chấp nhận và có đủ năng lực để cung cấp không?".
Thủy Thu