Bảo đảm quyền con người trong thi hành tạm giữ, tạm giam ở Việt Nam
Cải thiện điều kiện tạm giam, tạm giữ
Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền con người là giá trị cốt lõi cần được tôn trọng và bảo vệ, bao gồm cả những người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của Tòa án. Để cụ thể hóa nguyên tắc này, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã được ban hành và có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và bảo đảm quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công an đã ban hành 3 nghị định, 14 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Các quy định này được rà soát thường xuyên, phù hợp với tinh thần Công ước CAT, nhằm ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, đối xử tàn nhẫn hoặc hạ thấp nhân phẩm.
Việt Nam luôn quan tâm chế độ ăn uống, khám chữa bệnh cũng như chăm sóc y tế, sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam. (Ảnh minh họa: KT) |
Những năm qua, công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nói chung và công tác bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là:
Công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các cơ sở giam giữ trao đổi, thống nhất với các cơ quan thụ lý vụ án bảo đảm bị can, bị cáo được phân loại giam giữ theo giới tính, tội danh, đối tượng trong cùng vụ án, người dưới 18 tuổi…, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn các đối tượng trốn, tự sát, thông cung. Việc điều chuyển, trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam và giao, nhận người bị bắt hoặc đầu thú theo quyết định truy nã được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ, tài liệu bảo đảm phục vụ tốt cho yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và phục vụ công tác quản lý giam giữ, bảo đảm an toàn cơ sở giam giữ.
Dù còn nhiều khó khăn, các trại giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ vẫn bảo đảm đầy đủ chế độ ăn, mặc, sinh hoạt và chăm sóc y tế cho người bị tạm giữ, tạm giam. Các cơ sở giam giữ duy trì vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm khẩu phần ăn phù hợp và thường xuyên cải thiện điều kiện sinh hoạt. Các bệnh xá tại trại giam thực hiện nghiêm túc việc khám chữa bệnh, cấp thuốc, và chuyển viện khi cần thiết. Chế độ gửi, nhận thư, sách, báo và tài liệu, chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, tại đa số các trại tạm giam, nhà tạm giữ đã lắp đặt các trang thiết bị như loa truyền thanh, tivi, bố trí cung cấp báo trung ương và địa phương bảo đảm chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Những đối tượng dễ bị tổn thương, như trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người nuôi con nhỏ, được bố trí khu vực giam giữ riêng và hưởng các chế độ ưu đãi về dinh dưỡng, sinh hoạt. Người bị kết án tử hình được bảo đảm quyền kháng cáo, ân giảm và thực hiện đầy đủ các quyền khác theo luật định.
Hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh đã được đầu tư tại các cơ sở giam giữ, góp phần minh bạch hóa quá trình thẩm vấn và quản lý giam giữ. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai sót, vi phạm.
6 giải pháp nâng cao quyền con người trong tạm giữ, tạm giam
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác bảo đảm quyền con người trong thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn còn đối mặt với một số thách thức, như hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nhận thức pháp luật của đội ngũ cán bộ. Để khắc phục, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng tiếp tục tham mưu cho lãnh đại Bộ Công an thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng hệ thống pháp luật về tạm giữ, tạm giam đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và có tính ổn định. Tiếp tục tiến hành rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật về quyền con người tại cơ sở giam giữ đề đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Hai là, kiện toàn về tổ chức, rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tạm giữ, tạm giam có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí, đảm bảo kinh phí và thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tạm giữ, tạm giam như: bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý công tác giam giữ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm sát việc chấp hành pháp luật để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác…
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác tạm giữ, tạm giam và các quy định pháp luật về quyền con người cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý giam giữ, thực hiện chế độ chính sách đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam ở các cơ sở giam giữ và phổ biến tới các đối tượng giam giữ. Thực hiện nghiêm quy định về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, để bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Việc bảo đảm quyền con người trong thi hành tạm giữ, tạm giam không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc gia mà còn khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đang từng bước khẳng định sự đồng hành của mình trong việc bảo vệ quyền con người và thúc đẩy sự minh bạch, nhân văn trong hệ thống tư pháp.