Báo cáo giám sát của Quốc hội đề nghị sửa đổi văn bản pháp luật liên quan đến ATTP
Cử tri và nhân dân đánh giá về việc kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trình bày, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) thông qua chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn ở nhiều nơi.
Các bộ, ngành có liên quan đến nay vẫn chưa ban hành đủ các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Quốc hội dành cả ngày 5/6 để thảo luận về vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giám sát về an toàn thực phẩm; Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ ban hành các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với cá nhân, cơ sở vi phạm; nâng cao nhận thức của nguời sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các quy định về quy trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạo cơ sở để thực hiện và giám sát việc thực hiện, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; đề nghị chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.
Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả hoạt động giám sát và sửa đổi một số văn bản liên quan đến ATTP
Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, về các giải pháp cơ chế, chính sách bảo đảm ATTP cần sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển công nghệ chế biến nông sản theo hướng gia tăng giá trị.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo
Về công tác tổ chức thực hiện, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị về công tác bảo đảm ATTP; củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực; tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn; xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP làm cơ sở cho công tác quản lý ATTP dựa trên bằng chứng với việc hình thành hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý ATTP; đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi; kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường; xây dựng lộ trình xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực quản lý ATTP.
Về các giải pháp nguồn lực, phải bảo đảm cấp đủ ngân sách Nhà nước cho hoạt động quản lý Nhà nước về ATTP theo dự toán; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, đặc biệt ở cấp huyện, xã và xử lý nghiêm các vi phạm, cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP; xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP;
Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ chuyên trách ATTP cả ở Trung ương và địa phương đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý ATTP trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh công tác đào tạo tại các trường đại học, có mã ngành đào tạo về ATTP và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP tại các tuyến; từng bước tăng tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cho công tác bảo đảm ATTP.
Quốc hội cần ban hành Nghị quyết kết quả hoạt động giám sát về đẩy mạnh việc thực thi chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, xem xét sửa đổi một số văn bản pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý ATTP như Luật ATTP, Luật Đầu tư, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa... theo đề xuất của Đoàn giám sát tại mục II phần thứ nhất trong Báo cáo giám sát. Sớm hoàn thành, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với hành vi tội phạm về ATTP.
Chính phủ hằng năm báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm vào kỳ họp cuối năm. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản QPPL theo hướng tránh bất cập, chồng chéo, không khả thi; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý ATTP. Ở các tỉnh, thành phố lớn, trung tâm kinh tế nghiên cứu để tiến tới thành lập Ban quản lý ATTP cấp tỉnh; tiếp tục cho thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP, tăng mức xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp chế tài pháp luật ATTP về các hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; ở cấp xã cần có cán bộ theo dõi ATTP…
Minh Duy