“Bài toán” đầu tư logistics trong việc nâng cao giá trị nông nghiệp
Ngày 12/12, tại Hậu Giang diễn ra Diễn đàn kinh tế xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics, thu hút hơn 400 chuyên gia và các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Hậu Giang - tiềm năng đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp
Nằm ở vị trí trung tâm châu thổ sông Mê Kông, Hậu Giang có những lợi thế chiến lược trong phát triển nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế và xây dựng nền tảng logistics liên kết vùng phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt tận dụng lợi thế giao thông đường thủy vốn chưa được khai thác đúng với tiềm năng... Tỉnh có 87% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông thủy sản, lúa gạo và có 70% dân số trong độ tuổi lao động; cùng với nhiều ưu đãi thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, hạ tầng, phát triển nông nghiệp... tạo lợi thế vô cùng to lớn cho các nhà đầu tư.
Ông Lê Tiến Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.
Ông Lê Tiến Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận với vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, rộng lớn với nhiều nông sản chủ lực và nhiều mặt hàng đặc sản có giá trị khác.
Tuy giàu tiềm năng nhưng mới chỉ bước những bước đi ban đầu, chưa thể tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị nông sản. Trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày từng, giờ, làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Hậu Giang nhận thức rằng, mặc dù nền nông nghiệp của tỉnh nhà còn ở mức tiềm năng, chưa được khai thác đúng kỳ vọng đây là cơ hội để các nhà đầu tư đón đầu xu thế phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logictics.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, với kỳ vọng xây dựng một Hậu Giang xanh, trở thành trung tâm nông nghiệp của cả khu vực, tỉnh Hậu Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và sự hợp tác, liên kết của các địa phương, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Các sở, ngành và địa phương trong tỉnh, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, các nhà đầu tư và doanh nghiệp thật sự thuận lợi khi đến đầu tư với Hậu Giang”, ông Châu nhấn mạnh.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nêu lên nhiều giải pháp giúp Hậu Giang phát triển nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Dựa vào các dự báo chuỗi cung ứng của thế giới, ông Martijn Van De Groep - Tư vấn kế hoạch phát triển ĐBSCL khuyến cáo, các dự án phát triển xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp cần tập trung vào cấp độ là cụm, thị trường và nông dân.
Ở cấp độ cụm, mỗi khu vực cần xác định sản phẩm sản xuất gì trong tương lai, phù hợp với địa phương; đối với Hậu Giang nên tập trung vào trái cây và nuôi trồng thủy sản. Ở cấp độ thị trường, thì Hậu Giang có hệ thống giao thông vì thế địa phương nên tận dụng lợi thế này, tuy nhiên cũng cần xem xét hệ thống thông tin quan trắc.
Riêng ở cấp độ nông dân, thì người nông dân là chìa khóa “mấu chốt”, cần giúp người dân tăng sản lượng, giảm thiệt hại, cải thiện chất lượng sản phẩm, phải chuyển đổi từ sản lượng cao chất lượng thấp sang sản lượng cao chất lượng cao. Đồng thời, cần có biện pháp hỗ trợ người nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn, giáo dục, xây dựng cho họ thông tin đúng đắn về sản xuất và thu hoạch”, ông Martijn khuyến cáo.
Hậu Giang - vùng đất có nhiều điều kiện lợi thế phát triển nông nghiệp
Còn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho hay, chi phí logistics đang là một trong những yếu tố khiến nông sản Việt giảm tính cạnh tranh; chi phí cho logistics của Việt Nam còn cao.
Theo đó, chi phí logistics chiếm khoảng 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo… riêng ngành nông nghiệp, chi phí logistics phục vụ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore tới 300%.
Dẫn báo cáo mới nhất của World Bank, ông Tuấn cho biết có tới 80% hệ thống vận tải của Việt Nam là đường bộ, là loại hình vận tải có chi phí cao hơn nhiều so với đường sắt, đường thuỷ; tỷ lệ này ở các quốc gia chỉ vào khoảng 50 - 60%. Bên cạnh đó, đặc điểm sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng gây khó khăn trong việc vận tải, lưu kho; nông dân Việt Nam thường sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ. Vấn đề đang đặt nông nghiệp Việt Nam cũng như đối với Hậu Giang trong việc xuất khẩu là kết nối, do đó cần một hệ thống kết nối các trung tâm cung ứng nông sản tại Việt Nam, đó là nhiệm vụ đặt ra với ngành logistics.
Nói về những điều kiện để xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, ông Tôn Nham - Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN cho hay, Việt Nam nên thống nhất về nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm giúp người dân có thể tìm hiểu, nhận biết dễ dàng; tuy nhiên quan trọng hơn hết chính là chất lượng sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN cho rằng, hiện tính cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc rất cao, người tiêu dùng quan tâm nhất chính là sức khỏe, tức là chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng Trung Quốc khi mua sản phẩm sẽ suy nghĩ đến sức khỏe đầu tiên, giá cao không sao nhưng sản phẩm phải chất lượng. Theo ông Nham, cần sáng tạo trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, bao bì thu hút người tiêu dùng; sự quản lý của Nhà nước cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để đưa nông sản Việt Nam vào Trung Quốc bằng con đường chính ngạch.
Đối với Hậu Giang, ông Nham cho rằng, địa phương nên chú ý phát triển nông nghiệp logistics, vận chuyển, xây dựng nông nghiệp kỹ thuật số. Tôi mong các đơn vị cùng với Hậu Giang có nghiên cứu về logistics để xuất khẩu sản phẩm qua Trung Quốc, không chỉ là bằng đường tiểu ngạch mà còn phải là chính ngạch, ông Nham đề xuất.
Đại diện Chính quyền địa Hậu Giang ký kết ghi nhớ hợp tác xúc tiến xuất khẩu sản phẩm nông sản ra thị trường Trung Quốc
Tại Diễn đàn kinh tế xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics có 11 bản ghi nhớ hợp tác được ký kết.
Thành Thật