Bài toán cho việc thu hút lao động phi chính thức vào tổ chức công đoàn
Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) - đã trình bày tham luận về đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động khu vực phi chính thức vào tổ chức Công đoàn Việt Nam trên địa bàn TPHCM.
Nhiều thách thức
Theo ông Trần Đoàn Trung, quá trình toàn cầu hóa, đại dịch Covid-19 và internet kết nối vạn vật đã làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị, cách thức tổ chức sản xuất và quan hệ lao động. Chưa kể tình hình thế giới còn nhiều khó lường đã tác động bất lợi tới đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và lao động - việc làm nói riêng.
Trong bối cảnh đó, lao động phi chính thức là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo ông Trần Đoàn Trung, người lao động phi chính thức tại TPHCM cũng gặp phải những vấn đề khó khăn chung.
Nhiệm kỳ vừa qua, với phương châm “nơi đâu có người lao động, nơi đó có tổ chức công đoàn” và bằng nhiều giải pháp thí điểm, các cấp công đoàn TPHCM đã có nhiều cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức.
Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh - phát biểu. |
Trên cơ sở tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, các cấp công đoàn Thành phố đã triển khai một số giải pháp như: Tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với người lao động theo ngành nghề và địa bàn; hình thành các nghiệp đoàn trước hết là phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau về nghề nghiệp, khi gặp khó khăn, hoạn nạn; đẩy mạnh công tác chăm lo của tổ chức công đoàn và thông qua kêu gọi, vận động của công đoàn được triển khai thường xuyên, liên tục đối với các nghiệp đoàn, đặc biệt là vào các cao điểm hoạt động như chăm lo Tết, Tháng công nhân, kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam.
Đến nay, Liên đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với 11.046 lao động ở các ngành nghề: nhóm lớp mầm non, giữ trẻ gia đình; giúp việc gia đình; dịch vụ vận chuyển; thợ xây dựng; thu gom, thu gom rác dân lập; bán vé số, hàng rong, hớt tóc, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe gắn máy, buôn bán thức ăn đường phố.
Tạo thêm cơ chế mới
Tại diễn đàn Đại hội, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã gửi nhiều kiến nghị đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Cần thiết phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến khu vực phi chính thức, trong đó, quan tâm các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, các cam kết đối nhân, việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc.
Theo ông Trần Đoàn Trung, lao động phi chính thức là một vấn đề phức tạp, hiện có những cách hiểu và ứng xử khác nhau ở các quốc gia. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì khu vực này vẫn là nơi có thể giúp giải quyết một phần lớn vấn đề việc làm và các dịch vụ xã hội.
Kiến nghị thứ hai là các cấp chính quyền cần tạo điều kiện, tạo cơ chế hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Có chính sách phù hợp giúp đỡ lao động khu vực phi chính thức vượt qua những biến cố ngặt nghèo mà dại dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng thực tế sống động.
Thông qua Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, Liên đoàn lao động TPHCM cũng kỳ vọng sẽ có sự đổi mới thực chất tổ chức và hoạt động thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Luật Công đoàn sắp tới đây, Công đoàn Việt Nam sẽ linh hoạt hơn trong tổ chức và sử dụng tài chính công đoàn nhằm tăng cường hiệu quả tiếp cận, vận động, tập hợp người lao động khu vực phi chính thức.
“Lao động phi chính thức có đặc thù lao động phi chính thức có tính chất công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định và không có hợp đồng lao động. Trong khi đó, lao động phi chính thức là lực lượng giải quyết có hiệu quả nhu cầu nhiều mặt của đời sống dân sinh, đặc biệt là tại các đô thị”, ông Trần Đoàn Trung nói. |