Bác sĩ cảnh báo tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan trong đơn thuốc F0
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cảnh báo nhiều đơn thuốc F0 có lạm dụng kháng sinh. (Ảnh: NVCC) |
Thưa bác sĩ, hiện nay số lượng ca nhiễm tăng cao ở nhiều tỉnh thành. Nhiều người cho rằng đã tiêm vaccine, triệu chứng mắc bệnh nhẹ nên không khai báo. Ông có cảnh báo gì về “kẽ hở” này?
Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Hiện nay, mọi người thấy số lượng nhiễm ngày càng lớn, gọi cho y tế phường không được hoặc thấy có ít tác dụng nên thường không khai báo. Điều này là hoàn toàn sai lầm và để lại hệ lụy khôn lường về việc lây lan dịch bệnh.
Theo tôi, mọi người vẫn nên khai báo, bởi khi đó y tế cơ sở mới nắm được để đánh giá tình hình dịch, tình hình nhiễm bệnh tại địa phương.
Đồng thời, để cho những người xung quanh biết nhằm có biện pháp phòng tránh như hạn chế tiếp xúc. Một điều nữa là đảm bảo quyền lợi của mọi người nhiễm Covid-19 khi khai báo.
Tránh tình trạng người dân không khai báo rồi sau đó lại báo bù lên vài trăm nghìn người nhiễm như TP. Hồ Chí Minh thời gian trước là rất đáng lo ngại.
Có lẽ cũng từ lý do mọi người không báo ngay thành ra bức tranh tổng thể tình hình thực trạng nhiễm bệnh không chính xác. Điều này ảnh hưởng đến các thay đổi chính sách về mặt quản lý cũng như điều phối của các cơ quan hỗ trợ sẽ không sâu sát thực tế và có thể gây ra hậu quả không đáng có.
F0 cần được tiếp cận với dịch vụ y tế thế nào, thưa ông?
Hiện tại, sự tiếp cận của F0 với y tế cơ sở cũng hạn chế. Thường nhân lực của các trạm y tế không nhiều và cũng bị quá tải.
Họ phải chăm sóc cho quá nhiều ca F0 và bản thân nhân viên y tế phường cũng bị nhiễm Covid-19. Thế nên, sự chăm sóc phần nào bị hạn chế, người dân cũng phải tìm cách tự “bơi”. Họ sẽ tìm thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội, truyền tai các đơn thuốc… gây ra thực trạng không tốt.
Tức là, người ta sẽ nghe theo những đơn thuốc không chính xác, quá nhiều thuốc và gây hại, không tốt tới quá trình điều trị của bệnh nhân. Đặc biệt, nhiều khi bệnh nhân bị nặng ở mức nhập viện rồi nhưng vẫn chủ quan, tự điều trị ở nhà là rất nguy hiểm.
Hiện tại, ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như các tỉnh thành cũng chưa đến mức quá tải, các cơ sở y tế vẫn đang trong mức chịu đựng được. Hà Nội tuần này đã bắt đầu lên đỉnh dịch, trong khoảng một tuần nữa chỉ có thể đi ngang hoặc đi xuống chứ không đi lên. Các cơ sở y tế vẫn có thể tiếp nhận được những trường hợp cần phải nhập viện, trừ đối tượng trẻ em.
Thế nên, phải làm sao để truyền thông, chăm sóc, hướng dẫn tốt hơn cho các đối tượng trẻ em bị nhiễm Covid-19 nhằm giảm tải cho các bệnh viện lớn. Theo tôi, biết các bệnh viện đang rất căng thẳng về giường cho trẻ em là F0.
Do vậy, cần phải tổ chức chăm sóc đặc biệt cho trẻ em bị F0, tăng cường truyền thông cho các đối tượng là cha mẹ có trẻ nhỏ nên bình tĩnh hơn. Một số tình huống có thể chăm sóc tại nhà hoặc có sự hỗ trợ thông qua điện thoại từ xa để trẻ em đỡ phải nhập viện.
Thứ hai, tuyến y tế cơ sở nên có những bác sĩ chia sẻ chuyên ngành về nhi khoa, đồng thời Sở Y tế, Bộ Y tế cũng có nhiều hướng dẫn cụ thể hơn đối với các trường hợp là trẻ em đến 2 tuổi, trẻ em đến 5 tuổi là F0 thì xử lý thế nào để cha mẹ đỡ hoang mang. Tránh tình trạng cha mẹ lo lắng quá, cứ thấy con sốt cao là cho vào viện luôn thì không nên vì gây quá tải.
Trên mạng xuất hiện khá nhiều đơn thuốc trôi nổi khiến F0 cũng lúng túng, hoang mang. Ông có lời khuyên gì để người dân không lạc vào “ma trận” đơn thuốc?
Hiện tại, đúng là có thực trạng người dân truyền tai nhau các đơn thuốc. Mọi người thấy dùng đơn thuốc này khỏi, liền cho là chuẩn. Nhưng không phải, có những người dùng nhiều loại thuốc khỏi, cũng có người không dùng thuốc gì vẫn khỏi, có những người chỉ dùng vài viên vitamin, hạ sốt là khỏi.
Nhưng người ta cứ nghĩ dùng đơn với nhiều loại thuốc là hiệu quả, theo công thức tốt nên vô tư chia sẻ. Người dân thường bị nhầm lẫn chỗ đó, không biết rằng có nhiều đơn thuốc không chính xác. Ngoài ra, tôi nhận thấy hiện nay đang bị lạm dụng kháng sinh, hầu như đơn thuốc nào cũng có kháng sinh. Trong khi đấy, người bệnh chưa bị nhiễm khuẩn mà dùng kháng sinh sẽ không tốt, gây độc hại cho gan thận.
Thậm chí, nhiều loại kháng sinh không dùng được cho trẻ em mà lại áp dụng vô tư thành ra "lợi bất cập hại". Ngoài ra, tình trạng dùng một cách tràn lan, không có chỉ định của bác sĩ có chuyên môn sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Trong khi đó, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam cũng rất trầm trọng rồi.
Hiện nay, khoảng 95% là điều trị tại nhà, để giải quyết vấn đề đó theo tôi vẫn cần tăng cường thông tin chính thống, truyền tải làm sao phải dễ hiểu, gần gũi, cụ thể hơn nữa và dễ tiếp cận hơn, để người dân có thể yên tâm và theo thông tin chính thống đó. Tránh tình trạng người dân không tiếp cận được tin chính thống hoặc thông tin thiếu gần gũi nên không áp dụng mà nghe theo những lời đồn thổi, những đơn thuốc trôi nổi trên mạng thì rất nguy hiểm.
Theo ông, truyền thông điều trị Covid-19 đã đánh trúng nhu cầu của người bệnh hay chưa?
Theo tôi, vẫn phải truyền thông, nói rõ cho người dân hiểu dùng corticoid khi SpO2 trên 96% là có hại, khiến virus nhân lên mạnh hơn, dùng nhiều kháng sinh là không tốt, không có tác dụng với virus. Ngoài việc truyền thông cho đầy đủ hơn thì vẫn nên nêu rõ tác hại của việc dùng đơn thuốc trôi nổi. Đồng thời, khi người ta có sự trợ giúp về mặt y tế sẽ đỡ theo những thông tin không chính thống hơn.
Hiện tại, việc liên hệ đối với nhân viên y tế tương đối khó. Ngoài việc tổ chức các tổng đài, các bác sĩ tình nguyện, các nhóm bác sĩ hoạt động thông qua mạng xã hội, zalo hay Facebook có lẽ cũng cần khuyến khích. Qua đó, để khi người dân có nhu cầu thì liên hệ được ngay, có thể gặp được bác sĩ có trình độ chuyên môn để nhờ tư vấn.
Tránh tình trạng bây giờ ai cũng trở thành bác sĩ, ai cũng trở thành chuyên gia y tế hướng dẫn một cách tràn lan, vô tội vạ đến lúc người bệnh cũng hoang mang không biết nghe theo ai. Do đó, theo tôi phải truyền thông cho người dân vững tâm lý, khi có triệu chứng gì thì điều trị triệu chứng ấy, càng sử dụng ít thuốc càng tốt.
Đặc biệt, không nên hoang mang khi thấy bạn bè, người quen dùng những đơn thuốc rất hoành tráng, cho rằng có tới 7 - 8 loại thuốc là tốt, còn mình ít thuốc lại lo nghĩ. Theo tôi, quan điểm đó là sai lầm.
Ngoài việc để tránh dùng đơn thuốc trôi nổi thì vẫn phải truyền thông nhiều, làm sao để người dân dễ tiếp cận các thông tin y tế có tính chính thống. Tức là, để làm sao người dân chuẩn bị được kiến thức tốt hơn, đồng thời có các tổ chức bác sĩ, các tổ chức của đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội có tính chính thống để lúc cần người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn.
Bởi, hiện nay người ta đọc các thông tin chính thống mà không hiểu sẽ tìm kiếm trên mạng xã hội hoặc truyền miệng, giống kiểu "có bệnh thì vái tứ phương" cũng không tốt.
Xin cảm ơn bác sĩ!