Bà Thanh Bình Rybacki: “Giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển"
Như một lời hẹn trước, cứ mỗi khi tết đến, xuân về trên quê hương, bà Thanh Bình Rybacki – Chủ tịch Tổ chức COPI (tên viết tắt của Children of Peace International – Tổ chức thiếu niên vì hòa bình thế giới) lại trở về Việt Nam trong một hành trình đặc biệt.
Đó là hàng trình chia sẻ yêu thương: tặng quà tết cho những người mà COPI đang cưu mang, và cả những người đang cùng COPI nuôi dưỡng, chăm sóc những hoàn cảnh khó khăn ở cả ba miền của đất nước.
Bà Thanh Bình Rybacki và một cháu bé tại trường mầm non Hiếu Nghĩa, tỉnh Vĩnh Long - nơi COPI tài trợ xây dựng từ năm 2009 và đang tiếp tục mở rộng các lớp học, phòng ăn cho các con
Thưa bà Thanh Bình Rybacki, tiếp tục những hành trình khám chữa bệnh tại Việt Nam, nay lại được gặp bà trong hành trình của mùa xuân – đó là hành trình trao quà Tết. Bà có thể chia sẻ về hành trình năm nay?
Tôi là người Việt Nam nên tôi hiểu được rằng tết Nguyên đán là ngày Tết rất quan trọng với người Việt. Vì vậy nên Hội Children of Peace International của chúng tôi từ mười mấy năm nay mỗi khi đến Tết lại về mừng tuổi cho các anh chị bảo mẫu nuôi các cháu ở các cô nhi viện, và các thầy cô giáo ở những trường mà Hội đã xây, các nhân viên và tình nguyện viên của Hội tại Việt Nam. Chúng tôi biếu mỗi người một số tiền nhỏ để ăn tết, và năm nay có khoảng 800 người nhận quà Tết của COPI. Các cô giáo ở Việt Trì, Phú Thọ làm bánh chưng cho Hội, được chúng tôi mang vào biếu các cô giáo ở miền Nam; còn những bánh mứt của miền Nam thì lại được mang ra miền Bắc. Tôi chỉ đứng giữa để làm những chuyện nho nhỏ như thế.
Những sự sẻ chia của COPI đã đem tới rất nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc cho những số phận kém may mắn ở Việt Nam. Chắc hẳn trong hành trình này luôn có những câu chuyện cảm động khó quên?!
Vâng, ví dụ như khi đến Làng phong Sóc Sơn, có gia đình bác Thọ và bác Nhi, đều đã trên dưới 80 tuổi rồi. Khi tôi hỏi Tết đến gia đình đã mua bán gì chưa, thì họ trả lời là nếu cô không mang bánh chưng đến thì chúng tôi cũng không có gì. Tôi mang theo nhiều thứ thiết yếu, đến mỗi gia đình, họ cần gì thì lại lấy ra tặng. Tôi cũng biếu mỗi gia đình bánh chưng và tiền lì xì. Có cậu sinh viên năm thứ 4 Đại học, nói với tôi rằng số tiền này đối với con rất nhiều, con sẽ chuyển qua tiền lẻ rồi biếu lại mọi người trong làng. Tôi rất mừng mình vì đã tập được cho các cháu biết được chia sẻ.
Bà Thanh Bình Rybacki (thứ 2 bên phải) và các thành viên khác của COPI trong một buổi gây quỹ tại Mỹ
Như tôi có nhớ là ở miền Bắc, ngoài làng phong Sóc Sơn thì COPI cũng tổ chức các chương trình thường xuyên tại Việt Trì, Phú Thọ. Và trong hành trình lần này, chắc hẳn bà cũng trở lại Phú Thọ?
Khi về đến Việt Trì, cũng nhân tiện đang muốn mở rộng thêm các hoạt động ở Phú Thọ, nên chúng tôi bắt đầu chương trình tặng xe đạp cho các cháu đi học. Ở Việt Trì có trường chuyên, mà trong số đó có đến 20-30% các cháu gia đình khó khăn. Tôi có nói với ông Hiệu trưởng là chọn cho 5 em ham học nhưng có nguy cơ phải bỏ học vì nhà xa quá, không có phương tiên đi lại. Tôi hỏi: Các cháu có biết tại sao cô mời các cháu tới đây hay không? Trong 5 cháu có gì giống nhau? Cả 5 đều nói là có hoàn cảnh giống nhau. Tôi nhắn nhủ các cháu rằng: Cô không muốn các cháu mang hoàn cảnh ra để làm nặng thêm đời sống của mình. Vậy có phải cả 5 cháu đều ham học hay không? Các em đều nói là chúng rất thích học, bỏ cả ăn để học… Năm nay mới chỉ có 5 em thôi, nhưng năm sau hy vọng sẽ chọn từ 20 đến 40 em để tặng xe đạp.
Như vậy ngay trong hành trình mùa xuân này, COPI đã lên được các dự án sẽ triển khai tiếp theo tại Việt Nam?
Điều chúng tôi trăn trở hiện nay là những em bé trong các gia đình sống trên vùng sông nước, cả ở miền Bắc và miền Nam. Chỉ riêng ở 3 tỉnh miền Tây đã có ít nhất là 1.800 trẻ em không đi học. Một cái thuyền có thể có 6-7 đứa trẻ, nhưng đều không có giấy khai sinh, không được đi học. Vì thế nên chúng tôi sẽ tìm cách để mở trường cho các cháu trên sông đi học. Bắt các cháu lên bờ là điều không thể, nên chúng tôi dự định sẽ làm trường trên thuyền di động để các trẻ em sông nước đi học. 25 năm vừa qua chúng tôi hỗ trợ nuôi dạy các em cô nhi, đến nay xã hội Việt Nam đã phát triển và số lượng cô nhi ngày càng ít. Do đó chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề giáo dục. Trong số những trẻ em nhận tài trợ của COPI 25 năm qua có người làm kinh doanh, ngân hàng, bác sĩ, và kỹ sư. Các em này nay quay trở lại chung tay cùng COPI. Các em sinh viên nhận học bổng của COPI cũng phải cam kết mỗi tuần dành 2 giờ đồng hồ để làm từ thiện, nếu không thực hiện sẽ bị cắt học bổng. Như vậy, vấn đề giáo dục là rất quan trọng.
Xin cảm ơn bà!