Ba lần phẫu thuật và số phận của chú tê giác trở về từ cõi chết
Đội ngũ bác sĩ thú y làm việc tại tổ chức Saving the Survivors chăm sóc cho tê giác Hope.
Ngày 28/5, đội ngũ bác sĩ thú y làm việc tại tổ chức Saving the Survivors nhận được tin nhắn khẩn từ đội kiểm lâm làm việc tại Khu bảo tồn Shamwari ở Nam Phi, rằng họ đã phát hiện ra một chú tê giác trắng khoảng bốn tuổi, đã bị bắn hạ và bị lấy mất sừng từ những kẻ săn trộm. Những tên săn trộm đã nhẫn tâm phá hủy gần như hoàn toàn phần mặt của chú tê giác tội nghiệp để lấy đi chiếc sừng – món hàng hiện đang được chào bán với giá cao hơn vàng ở những nước Châu Á.
Ba lần phẫu thuật
Kể từ đó đến nay, chú tê giác tội nghiệp đã phải trải qua ba lần phẫu thuật và đang rất kiên cường để giành giật lại sự sống. Chú tê giác trắng hiện nay đã được toàn thể người dân trên thế giới biết đến qua cái tên Hope - "Hi vọng" vừa trải qua lần phẫu thuật thứ ba vào ngày mùng 8 tháng 6 vừa qua. Chú tê giác trắng bốn tuổi này đã trở thành biểu tượng sống còn của loài tê giác trong thời gian khủng hoảng do nạn săn trộm ngày một tăng cao như hiện nay.
Chú tê giác hiện vẫn đang được chữa chạy bởi tổ chức Saving the Survivors - một đội ngũ bác sĩ thú y giàu kinh nghiệm luôn đặt nhiệm vụ cứu giúp những nạn nhân của nạn săn trộm lên hàng đầu. Việc phẫu thuật hàng tiếng đồng hồ cho những loài động vật ăn cỏ to lớn như Hope không phải điều đơn giản, vì với thân thể nặng nề, nếu nằm quá lâu có thể dẫn đến việc mất tuần hoàn máu ở phần chân, sức nặng của cơ thể đè lên bộ phận tiêu hóa có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế mà trong suốt quá trình làm phẫu thuật, cứ mỗi 30 - 40 phút, các bác sĩ lại phải giúp chú tê giác trở mình, đồng thời mát - xa chân để đảm bảo sự tuần hoàn máu ở các chi cho chú tê giác.
Chú tê giác tội nghiệp đã phải trải qua ba lần phẫu thuật và đang rất kiên cường để giành giật lại sự sống.
Cuộc phẫu thuật lần này kéo dài hai tiếng hai mươi phút, với sự tham gia của toàn thể đội ngũ bác sĩ thú y giỏi nhất ở Nam Phi. Tiến sĩ Gerhard Steenkamp từ trường Đại Học Pretoria và cũng là một trong những nhà sáng lập của tổ chức Saving the Survivors, giải thích: "Cuộc phẫu thuật đầu tiên diễn ra vào ngày 18 tháng 5 và chúng tôi đã cố gắng chữa trị vết thương và tái tạo lại hình dáng phần mũi của tê giác. Lúc đó ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là chạy chữa vết thương và cứu sống Hope. Chúng tôi đã từng chữa chạy cho rất nhiều nạn nhân của những vụ săn trộm như thế này, và qua kinh nghiệm thì chúng tôi tự tin cho rằng Hope có khả năng sống sót cao, mặc dù vết thương rất nặng".
Tiến sĩ Gerhard Steenkamp cho biết thêm: "Cuộc phẫu thuật thứ hai bao gồm việc làm sạch vết thương và thay miếng bảo vệ đầu tiên, giờ đã trở nên cũ và bong ra vì Hope cọ đầu vào những thanh trụ trong chuồng. Vết thương hở sẽ làm chậm quá trình hồi phục, vì vậy mà chúng tôi quyết định thay miếng bảo vệ mới để đảm bảo độ ẩm cần thiết".
Bài học về sự sống
“Thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện nay đó là giữ cho miếng bảo vệ được cố định. Điều này là rất khó khi mà phần xương mũi của chú tê giác đã bị chặt rời bởi những kẻ săn trộm” - bác sĩ Johan Marais làm việc tại Viện Thú Y, Onderstepoort và cũng là người sáng lập của tổ chức Saving the Survivors cho hay. Vị bác sĩ mô tả: "Chúng tôi đã chụp X-quang phần bị tổn thương để xác định liệu có thể đóng đinh cố định miếng bảo vệ lên phần xương mũi của chú tê giác hay không. Phần xương này phải đủ khỏe để có thể khoan lỗ đinh mà không bị gãy hay vỡ. Đó là cách tốt nhất để giữ phần lá chắn bảo vệ lên vết thương trên mặt Hope”.
Cuộc phẫu thuật đầu tiên các bác sĩ đặt ra ưu tiên hàng đầu là chạy chữa vết thương và cứu sống Hope.
Trong trường hợp xương đã bị vỡ và không đủ để có thể làm theo phương pháp này, đội ngũ bác sĩ sẽ phải khâu phần dưới của miếng bảo vệ lên da của chú tê giác để đảm bảo sự cố định của miếng bảo vệ. Đây là điều cần thiết vì nó sẽ giữ độ ẩm cần thiết cho vết thương, cũng như tránh những tổn thương không cần thiết khi Hope di chuyển: “Chúng tôi hi vọng có thể làm một miếng khuôn bảo vệ để có thể thay thế loại lá chắn bảo vệ mà chúng tôi đang dùng, và khi khuôn này được hoàn thành thì nó có thể rút ngắn quá trình phẫu thuật xuống 45 phút."
"Mặc dù chúng tôi vẫn lạc quan rằng Hope có thể hồi phục, nhưng chúng ta cũng cần phải thành thật trong quá trình điều trị này. Để điều trị vết thương như của Hope sẽ mất ít nhất một năm đến một năm rưỡi, và chúng ta cần phải liên tục kiểm tra vết thương và sức khỏe của Hope để tránh nhiễm trùng và những rắc rối khác có thể phát sinh sau cuộc phẫu thuật. Hope đang dạy chúng ta một bài học quí báu về sự sống. Những bác sĩ thú y như chúng tôi cũng học được nhiều điều qua việc chữa trị cho Hope. Chúng ta phải thật kiên nhẫn với vết thương lớn như của Hope. Chúng tôi đang điều trị Hope với những phương thức và trang thiết bị tốt nhất mà chúng tôi có để giúp chú tê giác tội nghiệp này cảm thấy thoải mái và an toàn" - Bác sĩ Marais nhận định.
Để điều trị vết thương như của Hope sẽ mất ít nhất một năm đến một năm rưỡi, và cần phải liên tục kiểm tra vết thương và sức khỏe để tránh nhiễm trùng.
Bác sĩ Will Fowlds hiện đang là đồng quản lý của dự án Mepet Rhino tại tổ chức Wilderness Foundation, người chịu trách nhiệm chính cho việc gây mê và gây tê cho Hope, cũng cho hay: "Thông qua những công việc mà Saving the Surviors đang làm, họ đã giúp nạn nhân của những vụ săn trộm, như chú tê giác này, được cất tiếng khóc cho đồng loại mà cả thế giới có thể lắng nghe. Hope là biểu tượng của sự sống mạnh mẽ, dù là nạn nhân của nạn săn trộm tàn ác. Sự đau đớn mà Hope đang đấu tranh để giành lấy sự sống phải được tất cả chúng ta công nhận, thấu hiểu để có thể thay đổi hành vi và thái độ mà con người chúng ta đang đối xử với loài tê giác, cũng như với tất cả các sinh vật sống khác".
Theo Người đô thị