Ba điểm đặc biệt về cuộc gặp tay ba Pakistan - Afghanistan - Trung Quốc ở Bắc Kinh
Ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan. Bộ ba này trao đổi về các vấn đề chính trị an ninh khu vực và hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư song phương cũng như ba bên, trong đó đương nhiên không thể thiếu vấn đề tương lai chính trị cho Afghanistan.
Tương lai ấy bao gồm 3 thành tố là chính phủ Afghanistan tự đảm bảo được an ninh và ổn định cho đất nước, vai trò chính trị của Taliban và quan hệ của Afghanistan với thế giới bên ngoài. Cuộc gặp ba bên này đáng được chú ý vì là lần đầu tiên kể từ trước đến nay ba nước láng giềng này thiết lập khuôn khổ diễn đàn tham vấn và thương thảo để xử lý những vấn đề hiện tại ở khu vực liên quan đến họ và cùng nhau kiến tạo tương lai.
Hợp tác giữa các nước láng giềng chung biên giới với nhau vốn rất bình thường trên thế giới và trong khu vực, nhưng tập trung để bàn về giải quyết vấn đề Afghanistan thì lại rất đặc biệt ở sự co cụm ba bên này.
Lợi ích chung và mục đích riêng
Hợp tác tay ba với Afghanistan, Pakistan sẽ giúp Trung Quốc giành được nhiều lợi thế mà Mỹ, Nga hay Ấn Độ không thể có được. Ảnh: India Express
Nó đặc biệt vì không phải là khuôn khổ diễn đàn đầu tiên mà chỉ là khuôn khổ diễn đàn mới đây nhất được thiết lập để bàn về tương lai của Afghanistan. Trước nó đã có khuôn khổ diễn đàn được gọi là Nhóm phối hợp 4 bên giữa Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan cũng như ba bên giữa Mỹ, Trung Quốc và Pakistan hay giữa Nga, Trung Quốc và Pakistan. Tức là không hề thiếu cơ chế đàm phán mà chỉ thiếu kết quả cụ thể giúp giải quyết được vấn đề tương lai cho Afghanistan.
Nó đặc biệt vì là khuôn khổ diễn đàn bàn thảo về tương lai của Afghanistan mà không có sự tham gia của Mỹ hay Nga mà Trung Quốc phải ganh đua ảnh hưởng ở Afghanistan và khu vực.
Nó đặc biệt vì Trung Quốc đã buộc Pakistan và Afghanistan gạt ra ngoài những hiềm khích và ngờ vực lẫn nhau để hợp tác với nhau theo sự dẫn dắt của Trung Quốc.
Trung Quốc có đường biên giới chung với Pakistan và Afghanistan. Trong khi ở hai nước này có sự hoành hành của những lực lượng Hồi giáo cực đoan thì Trung Quốc dai dẳng vấn đề người theo Đạo Hồi ở khu vực Tân Cương. Ở cả hai nước này hiện chưa thể nói là đã có được sự đảm bảo an ninh và ổn định chính trị.
Chính phủ hai nước lại hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ về quân sự và an ninh. Trung Quốc vì thế không thể không coi hai nước ấy là phên dậu an ninh của mình, phải chủ động kiểm soát tình hình chứ không phải để cho bị bất ngờ.
Hợp tác tay ba với hai nước láng giềng này sẽ đưa lại cho Trung Quốc những lợi thế mà Mỹ, Nga hay Ấn Độ không thể có được ở Afghanistan trong thời điểm quân đội nước ngoài rút hết khỏi Afghanistan và nơi này đi vào giải pháp chính trị hoà bình.
Hiện tại là Pakistan, nhưng rồi đây cả Afghanistan nữa sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với thành công của Trung Quốc trong việc thực hiện kế hoạch đầy tham vọng nhưng có ý nghĩa quyết định đối với tầm vóc thế giới của Trung Quốc trong tương lai là Vành đai và Con đường.
Cho nên, lợi ích chiến lược lâu dài của Trung Quốc là giữ Pakistan ở trong và lôi kéo được Afghanistan vào phạm vi ảnh hưởng của mình. Kết quả quá ít ỏi của những khuôn khổ diễn đàn kia tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tạo dựng sân chơi mới và riêng với Pakistan và Afghanistan, nhưng đồng thời cũng thúc ép Trung Quốc phải chạy đua với thời gian.
Giải pháp chính trị cho tương lai của Afghanistan có thể chờ lâu nữa mới có, nhưng kế hoạch Vành đai và Con đường kia không thể chờ mãi bởi càng chậm được thực thi thì nó càng dễ mất thời cơ, càng giảm sức hấp dẫn thuyết phục, càng thêm khó khả thi và càng dễ bị cạnh tranh bởi ý tưởng khác của ai đó khác.
Trong khi Pakistan và Afghanistan dùng Trung Quốc để chơi con bài đối trọng với các đối tác bên ngoài khác cũng như nhằm vào nguồn vốn đầu tư và tài chính của Trung Quốc thì Trung Quốc sử dụng hai nước này không chỉ vì có được hành lang an ninh mà còn để phục vụ cho cuộc chơi chính trị quyền lực và địa chiến lược, rộng lớn hơn là đẩy lùi ảnh hưởng của các đối tác khác và mở rộng phạm vi ảnh hưởng cũng như không gian lợi ích chính trị và kinh tế của mình ra khắp khu vực Nam Á, trải dài tới Ấn Độ Dương.
Mỹ và Nga chắc chắn phải lưu tâm tới động thái mới này của ba nước. Nhưng lo ngại của họ lại chỉ có mức độ, bởi họ dễ dàng nhận ra sự hạn chế trong khả năng của Trung Quốc là Trung Quốc không thể tự mình giải quyết được vấn đề tương lai chính trị cho Afghanistan và định hình cấu trúc an ninh mới cho khu vực mà vẫn phải cần đến Mỹ và Nga.
** Tiêu đề do toà soạn đặt lại.
Ngoại trưởng ba nước Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan nhóm họp tại Bắc Kinh
Đại sứ Trần Đức Mậu