Australia phải bồi thường hơn 50 triệu USD cho người tị nạn
Hàng rào an ninh tại cơ sở giam giữ người tị nạn trên đảo Manus. (Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin Reuters, khoảng 1.905 người đàn ông đã bị giam giữ tại cơ sở trên đảo Manus, thuộc Papua New Guinea (PNG), từ tháng 11/2012 tới tháng 12/2014. Năm ngoái, họ đã khởi kiện chống lại chính phủ Australia và 2 cơ quan quản lý.
Trại tạm giam trên đảo Manus là một trong 2 cơ sở của Australia dùng để tạm giữ những người xin tị nạn. Địa điểm này bị Liên Hợp Quốc và nhiều nhóm hoạt động nhân quyền phản đối vì điều kiện sống khắc nghiệt và những cáo buộc về tình trạng lạm dụng có hệ thống.
Các luật sư thuộc công ty Slater & Gordon, đại diện về mặt pháp lý cho phía nguyên đơn, cho biết chính phủ Australia và 2 công ty an ninh G4S, Broadspectrum, hiện thuộc sở hữu của Ferrovial, sẽ cùng trả khoản bồi thường nói trên.
Số tiền bồi thường sẽ được phân bổ cho những người từng bị giam giữ, cả trước đây cũng như hiện tại, dựa trên thời gian giam giữ và mức độ nghiêm trọng của thương tích hay bệnh tật mà họ phải chịu đựng. Mặt khác, chính phủ Australia cũng sẽ phải trả án phí.
Người tị nạn bị giam giữ trên đảo Manus. (Ảnh: Reuters)
Về phần mình, Canberra đã xác nhận chấp thuận bồi thường, theo đó đây là giải pháp để tiết kiệm chi phí theo đuổi một vụ kiện tốn kém. Bộ trưởng Nhập cư Australia, ông Peter Dutton nói rằng việc chấm dứt vụ kiện là một quyết định "thận trọng" của chính quyền.
Hiện, những người tị nạn tới Australia bằng đường thủy sẽ bị tạm giữ vô thời hạn tại 2 cơ sở ở Thái Bình Dương và một cơ sở khác nằm ở Nauru. Năm ngoái, Australia ký thỏa thuận tái định cư cho người tị nạn với Mỹ, theo đó phần lớn những người đang bị giam giữ sẽ được chuyển đi, còn Canberra sẽ tiếp nhận người tị nạn tới từ Trung Mỹ.
Một số nguyên đơn đòi yêu cầu bồi thường vẫn còn trên đảo Manus, trong khi những người khác đã hồi hương. Anh Majid Kamasaee, nguyên đơn đầu tiên, đã trở về quê hương Iran. Anh nói rằng mình tự nguyện rời đảo vì bị từ chối chăm sóc sức khỏe đầy đủ dù gặp bệnh nặng về da.
Luật sư Ebony Birchall trích lời Kamasaee: "Khi đến Manus, họ tịch thu thuốc của tôi. Hàng ngày, dưới ánh mặt trời khắc nghiệt, tôi cảm thấy như da mình bị thiêu đốt. Các vết sẹo ngày càng tồi tệ và lớn hơn. Mỗi ngày, mỗi phút trên đảo Manus, tôi đều thấy đau".
Hồng Anh