Toàn cảnh hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông

08:14 | 09/08/2019

Trung Quốc vừa rút nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi bãi Tư Chính của Việt Nam. Suốt 1 tháng qua, căng thẳng ở Biển Đông gia tăng (từ đầutháng 7/2019) khi Trung Quốc có các hành động "hung hăng" như quân sự hoá, tập trận, đặc biệt là việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, Mỹ kéo tàu sân bay "khủng" vào Biển Đông Tàu chiến hiện diện Biển Đông, ASEAN quan ngại Mỹ "thúc" đồng minh chống lại sự "áp bức" của Trung Quốc trên Biển Đông Nhiều Thượng Nghị sĩ Mỹ lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc trên Biển Đông
toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong
Tàu hải cảnh 3901 và tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực bãi Phúc Tần - Tư Chính

Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam

Từ 3/7/2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống đã tiến hành các hoạt động trái phép, xâm phạm bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Những hình ảnh từ vệ tinh và định vị toàn cầu cho thấy, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã hoạt động trái phép tại vùng biển bãi Tư Chính - một vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Bãi Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam, thuộc nhà giàn DK1, có diện tích 700km2, chiều dài 52km (có tài liệu nói 61km), chiều rộng 11km (có chỗ phình ra hơn 20km). Bãi Tư Chính đã được Việt Nam sử dụng và khai thác đặc quyền kinh tế một cách ổn định và từ lâu, đặc biệt không phải khu vực đang có tranh chấp trên biển.

Theo Công ước UNCLOS 1982 được xem như là “bản Hiến pháp về đại dương” trên thế giới, Việt Nam có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Dựa trên các quy định được Công ước UNCLOS 1982 công nhận và bảo hộ, bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Vì vậy, không có lý do gì để Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác biến vùng không hề có tranh chấp trở thành có tranh chấp và gây căng thẳng khiến tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên.

Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia đã được xác lập tại Công ước UNCLOS 1982. Bất kỳ ai xâm phạm vào vùng biển Tư Chính là vi phạm chủ quyền được công nhận của Việt Nam. Việc nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động trái phép tại vùng biển bãi ngầm Tư Chính là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển theo quy định tại Công ước UNCLOS 1982, thực tế Việt Nam có quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp các hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của Công ước này.

toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam

Liên quan đến vấn đề này, ngày 19/7, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Như đã khẳng định tại phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7/2019, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS.

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu đích danh tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu đích danh tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại AMM-52

Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc không có vùng biển nào ở khu vực Bãi Tư Chính

Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhằm biện minh cho các hoạt động trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố họ cũng có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước liên quan. Trung Quốc ngang ngược yêu sách đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, trong đó có khu vực nhà giàn DK1 và bãi Tư Chính, dựa trên “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra.

Tuy nhiên, yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Trung Quốc ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Đây là một điều mơ hồ được Trung Quốc thời Quốc dân đảng đưa ra từ thập niên 1940, không có cơ sở pháp lý nào rõ ràng. Năm 2009, lần đầu tiên Trung Quốc trình lên Liên hợp quốc "đường lưỡi bò" và đòi các quyền đối với vùng nước trong phạm vi đường này. Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines khi đó đã bác bỏ yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc.

(Ngày 25/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại gia Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói về khu vực bãi Tư Chính, giàn khoan DK1 đang bị Trung Quốc xâm phạm. Nguồn video: Dân trí)

Năm 2013, Philippines khởi kiện "đường lưỡi bò", cho rằng nó không phù hợp với UNCLOS và cần được tuyên bố là vô căn cứ.

Và trong bản phán quyết dài 497 trang, Toà Trọng tài PCA đã kết luận,Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông; "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển; Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc; Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo…

Vì vậy, "đường lưỡi bò" là vô căn cứ và yêu sách chủ quyền ngang ngược tại khu vực DK1, trong đó có Bãi Tư Chính của Trung Quốc không có cơ sở.

Không chỉ vi phạm UNCLOS 1982, việc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam của Trung Quốc còn vi phạm cam kết của họ với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Theo văn kiện được Trung Quốc ký với các quốc gia ASEAN ngày 4/11/2002, Trung Quốc đã đưa ra cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại Biển Đông, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.

Nhưng hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông còn vi phạm các cam kết trong các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” năm 2011 và các cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.

Trung Quốc ngang ngược tập trận trên Biển Đông

Mới đây nhất, ngày 5/8, Cục Hải sự Hải Nam Trung Quốc ngang ngược thông báo, quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận ở quân đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong hai ngày 6-7/8. Tập trận diễn ra giữa lúc căng thẳng trên Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại do Trung Quốc đang có hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ngang ngược hơn, cũng thông báo cũng nêu, trong thời gian tập trận, Trung Quốc yêu cầu tàu bè không qua lại khu vực diễn ra tập trận. Tuy nhiên, thông báo không đề cập cụ thể về quy mô của cuộc tập trận và số lượng quân đội tham gia cuộc tập trận này, cũng không nhắc đến việc có tiến hành bắn đạn thật, thử lên lửa chống hạm hay không.

toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Hefei được sử dụng trong cuộc tập trận trên Biển Đông tháng 3/2019. Ảnh: South China Morning Post

Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc ngang ngược tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam và thậm chí còn cấm tàu thuyền đi lại trong khu vực trong thời gian diễn ra tập trận. Trước đó, Trung Quốc cũng đã tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông từ 29/6 đến 3/7 tại khu vực phía Bắc Quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Các cuộc tập trận nêu trên cho thấy Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông. Khi cuối tháng 6, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng 5 tàu hộ vệ đã đi vào khu vực Biển Đông.

Ngày 4/7/2019, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc diễn tập, bắn thử tên lửa ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam quan tâm và theo dõi sát sự việc này. Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực”.

Hồi đầu tháng 3/2019, Trung Quốc cũng từng tiến hành cuộc tập trận trong vòng 34 ngày với việc triển khai tiêm kích J – 10 tới đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần phản đối, trong đó có cả việc gửi Công hàm về các hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.

>>> Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Khoan giếng thăm dò ở bãi ngầm Tư Chính góp phần bảo vệ chủ quyền Việt Nam
toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong
Nhà giàn đầu tiên được xây dựng tại bãi Tư Chính năm 1989. Ảnh: Đại tá Nguyễn Quý

Trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết: "Vietsovpetro là đơn vị chủ lực thiết kế, thi công, lắp đặt, gia cố, sửa chữa hệ thống nhà giàn DK1 và khoan giếng thăm dò ở bãi ngầm Tư Chính, vịnh Bắc Bộ, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Theo ông Nguyễn Quỳnh Lâm, 38 năm qua, Vietsopetro đã thực hiện một khối lượng rất lớn thăm dò, khảo sát địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam - vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Qua đó, phát hiện bảy mỏ dầu khí có trữ lượng công nghiệp. Có công đầu tìm ra thân dầu mới phi truyền thống trong đá móng granit nứt nẻ.


Trước đó, trên báo VOV, Đại tá Nguyễn Quý, Tổng chỉ huy các lực lượng công binh xây dựng nhà giàn đầu tiên ở khu vực DK1 cũng chia sẻ, sau sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), chúng ta nhận thức rằng, Trung Quốc sẽ bành trướng sang các đảo khác ở Trường Sa và có thể nhòm ngó sang các khu vực khác, nhất là khu vực DK1- thềm lục địa phía Nam, nơi Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí.

Vì thế, theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1. Đây là một quyết định vô cùng quan trọng vào thời điểm cách đây hơn 30 năm. Năm 1989, DK1 đầu tiên được xây dựng ở Tư Chính. Năm 1990, Việt Nam làm tiếp một nhà giàn nữa cũng ở Tư Chính theo cách “chặn đầu, khóa đuôi”.

Đến năm 1994, Bộ Chính trị đã quyết định làm thêm 2 nhà giàn nữa ở khu vực bãi Tư Chính (Tư Chính 3 và Tư Chính 4). Sau đó, đến năm 1995, chúng ta lại xây dựng thêm 1 nhà giàn nữa ở khu vực này. Như vậy, Việt Nam có 5 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính, theo Đại tá Nguyễn Quý cho biết.

Khi được hỏi, nếu chúng ta không cương quyết trong việc khẳng định chủ quyền và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế thì điều gì sẽ xảy ra? Đại tá Nguyễn Quý cho rằng: Trung Quốc đã từng có ý định đưa giàn khoan vào khu vực bãi Tư Chính. Cho nên chúng ta phải luôn luôn cảnh giác để không cho họ đặt chân vào đó. Đặt chân vào Tư Chính giống như con dao kề vào cổ vùng khai thác dầu khí của Việt Nam và nó khống chế toàn bộ vùng DK1 rộng 80.000km2.

toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, Mỹ kéo tàu sân bay "khủng" vào Biển Đông

Tờ The Japan Times hôm 6/8 đưa tin tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đang ở Biển Đông để tiến hành cuộc tuần tra ...

toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong Tàu chiến hiện diện Biển Đông, ASEAN quan ngại

Các nước ASEAN đã bày tỏ mối quan ngại về căng thẳng đang gia tăng do sự hiện diện của tàu chiến ở Biển Đông, ...

toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong Mỹ "thúc" đồng minh chống lại sự "áp bức" của Trung Quốc trên Biển Đông

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 52 (AMM-52)tại Bangkok hôm 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ...

toan canh hanh dong gay han cua trung quoc tren bien dong Nhiều Thượng Nghị sĩ Mỹ lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc trên Biển Đông

Theo thông tin từ trang web của Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch và Thượng nghị sĩ ...

Phương Linh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/toan-canh-hanh-dong-gay-han-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-84482.html

In bài viết