Anh hùng Núp là người dân tộc nào?
Tên gọi Buôn Ma Thuột có ý nghĩa gì? Biển Hồ là tên gọi khác của thắng cảnh nào ở Pleiku? Nhà thờ nào ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thường được gọi là nhà thờ Con Gà? |
Anh hùng Núp là người dân tộc
Hỏi:
Anh hùng Núp là người dân tộc nào?
A. Gia Rai
B. Ê Đê
C. Ba Na
D. H’Mông
Đáp án:
C. Ba Na
Đinh Núp (1914-1999) là người dân tộc Ba Na, sinh tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai. Ông đã lãnh đạo đồng bào dân tộc Ba Na và Ê Đê chống lại thực dân Pháp, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955 và thường được gọi là anh hùng Núp.
Sau hiệp định Genève 1954, ông Đinh Núp cùng đơn vị tập kết ra miền Bắc một thời gian rồi trở về tham gia đánh Mỹ ở Tây Nguyên. Năm 1964, ông tới thăm Cuba theo lời mời của Chủ tịch Fidel Castro.
Sau khi đất nước thống nhất, ông Đinh Núp giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, làm đại biểu Quốc hội.
Đinh Núp là nhân vật chính, nguyên mẫu trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc.
Anh hùng Núp trò chuyện cùng bà con dân làng (Ảnh: TL). |
Nơi dân tộc Ba Na sinh sống chủ yếu
Hỏi:
Ở Việt Nam, dân tộc Ba Na sinh sống chủ yếu ở địa phương nào?
A. Gia Lai
B. Lâm Đồng
C. Đăk Lăk
D. Đăk Nông
Đáp án:
A. Gia Lai
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ba Na ở Việt Nam có hơn 227.000, cư trú tại 51 tỉnh thành. Địa bàn sinh sống đông nhất là tỉnh Gia Lai với hơn 150.000 người, chiếm 66,1% dân số của cộng đồng dân tộc này.
Một số địa phương khác người Ba Na cư trú là Kom Tum, Phú Yên, Bình Định, Đăk Lăk, Bình Thuận.
"Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên, kiến lập nên nền văn hóa độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta", theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai.
Dân tộc Ba Na (Ảnh: Dân Việt). |
Trang phục truyền thống của người Ba Na
Hỏi:
Trên trang phục truyền thống của người Ba Na có những màu gì?
A. Đen
B. Xanh
C. Vàng
D. Đỏ
E. Cả 4 màu trên
Đáp án:
E. Cả 4 màu trên
Sống giữa đại ngàn Tây Nguyên, trang phục người dân tộc Ba Na mang nét khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng. Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T. Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy là tấm vải đen được quấn quanh thân dưới.
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, từ thời xa xưa người Ba Na đã biết trồng bông, dệt vải để tạo ra những tấm vải thổ cẩm bền đẹp. Sau khi quay tơi những sợi bông, họ lấy mật ong để làm mềm vải và tạo ra hương thơm nhẹ nhàng không lẫn vào trang phục các dân tộc khác.
Để làm nên sự độc đáo, tươi mới cho trang phục, người Ba Na tỉ mẩn, khéo léo trong cách phối hợp màu sắc. Họ nhuộm vải bằng màu mực của các loại cây rừng, mỗi màu sắc mang một ý nghĩa riêng. Màu đen được nhuộm bằng lá cây chàm, cây mô, biểu hiện cho đất đai, sự nảy mầm từ mặt đất, độ che phủ của cây rừng mà con người gắn bó suốt cuộc đời.
Theo quan niệm của người Ba Na, màu đen là màu chủ đạo, gây ấn tượng mạnh mẽ về phong cách, thường được dùng làm màu nền của mỗi tấm vải. Màu đỏ là màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng, được nhuộm bằng nhựa cây kxang, kơ bai. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, được nhuộm bằng củ nghệ hay màu của cây kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, màu của cây lá được nhuộm bằng nhựa cây truông nhây, cây kpai...
Hoa văn trên trang phục của người Ba Na do đó thường là các đường kẻ sọc mang màu sắc này. Những đường sọc ngang đỏ, trắng ở gấu áo của nam giới thể hiện sự mạnh mẽ của những người đàn ông quanh năm sống với núi rừng. Trên áo của nữ giới có sọc chỗ khuỷa tay, cổ, ngang ngực và gấu áo, váy có sọc thân và gấu thể hiện được sự đơn giản trong con người và sự duyên dáng của họ.
Lễ thổi tai – Nghi thức đầu đời của người Ba Na (Ảnh: Vnexpress). |
Ngôi nhà đặc trưng của người Ba Na
Hỏi:
Ngôi nhà đặc trưng của người Ba Na là gì?
A. Nhà trệt
B. Nhà rông
C. Nhà dài
D. Nhà tầng
Đáp án:
B. Nhà rông
Đối với người Ba Na, nhà rông là sản phẩm văn hóa vô giá, biểu tượng và niềm tự hào của dân tộc. Đây là ngôi nhà cộng đồng của một làng, là nhà sàn cao, làm bằng gỗ, tre, nứa hoặc lồ ô, được xây dựng to đẹp nhất ở trung tâm hoặc gần cổng làng. Nhà rông là nơi lớp người già truyền dạy cho lớp trẻ những kinh nghiệm về cuộc sống, lao động, sản xuất và văn hóa truyền thống; nơi họp bàn, cất giữ vật thiêng, tổ chức nghi lễ cộng đồng.
Trang tin điện tử tỉnh Kon Tum cho biết, theo phong tục cổ truyền của dân tộc Ba Na, già làng sẽ thông báo quyết định làm nhà rông cho tất cả thành viên trong làng trước một năm để tập trung dân và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yàng để xin phép xây dựng. Lễ cúng Yàng bắt buộc phải có máu của ba con vật là: heo, gà, dê và được bỏ vào ống lồ ô để cúng tế. Công việc này có ý nghĩa rất linh thiêng: máu dê để trừ tà; máu heo thể hiện cho sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; máu gà thể hiện cho sự thành công trong mọi việc xây dựng.
Điều rất đặc trưng của người dân Ba Na trong xây dựng nhà rông là luôn làm việc tập thể, công việc hết thảy phải chia đều dưới sự sắp xếp của già làng. Tuy nhiên, việc làm nhà rông không để ảnh hưởng đến lao động sản xuất của mỗi gia đình. Tùy vào điều kiện và nhân lực của mỗi làng, việc làm nhà rông có thể kéo dài 5-8 tháng.
Nhà rông làm xong, người Ba Na sẽ làm lễ mừng nhà rông mới trong 3 ngày liền và xem như ngày hội lớn tất cả thành viên của làng dù làm ăn nơi khác cũng phải về dự. Họ làm cây nêu, tổ chức lễ đâm trâu, uống rượu cần, nhảy múa và tấu cồng chiêng để ăn mừng.
Nhà rông của người Ba Na (Ảnh: Du lịch). |
Tết Nguyên đán của người Ba Na
Hỏi:
Tết Nguyên đán của người Ba Na không thể thiếu nghi thức truyền thống nào?
A. Uống rượu nếp tại nhà rông
B. Uống rượu táo mèo tại nhà rông
C. Uống rượu cần tại nhà rông
D. Uống rượu ngô tại nhà rông
Đáp án:
C. Uống rượu cần tại nhà rông
Giống như các dân tộc khác ở vùng Tây Nguyên, người Ba Na có nhiều lễ Tết với ý nghĩa tâm linh hoặc theo vòng thời gian. Một số lễ chính như: lễ hội mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ nhà rông mới... Tết Nguyên đán (Chruh-kâl) là một trong những lễ hội quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng này.
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vào dịp Tết Nguyên đán mỗi gia đình Ba Na lại dọn dẹp nhà cửa, gói bánh tét, làm thịt heo... Món ăn đặc sắc được cộng đồng này ưa thích trong dịp này là cá, ếch, nhái mổ bỏ ruột hay thịt gia súc, gia cầm đã thui, chặt từng khúc nhỏ, trộn với rau rừng, măng rừng, sả, tiêu (giã nhỏ) cho vào ống lồ ô để lên lửa than hồng nướng chín.
"Các món ăn khi được nướng, nấu chín, người phụ nữ trải lá kbang (lá dầu) trên cái nia hay bàn ăn và đổ thức ăn từ ống lồ ô lên trên lá, sau đó cùng nhau ăn, uống vui vẻ", tài liệu viết.
Chiều tối ngày 30 dân làng Ba Na tập trung tại nhà rông uống rượu cần, tổ chức văn nghệ, nối vòng xoang trong tiếng cồng chiêng ngân vang cho đến giao thừa. Đây là nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết của người Ba Na. Không gian văn hóa cồng chiêng của cộng đồng này, cùng với các dân tộc khác ở Tây Nguyên, đã tạo nên nét đặc sắc, được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Ngày đầu năm mới, những người trong nhà dậy sớm để cùng nhau sửa soạn mâm cỗ cúng Yàng với gà trống luộc và ghe rượu cần. Người cao tuổi trong nhà thắp nén nhang tạ ơn trời đất đã phù hộ cho gia đình một năm yên bình và cầu mong Yàng phù hộ một năm mới nhiều may mắn. Cả gia đình sau đó tập trung lại, cùng ăn bữa cơm đầu năm rồi lần lượt đi thăm từng nhà trong làng.
Cũng như người Kinh, Tết Nguyên đán là dịp để người Ba Na nghỉ ngơi, thăm hỏi, giao lưu. Bên ghè rượu cần, người già kể về những kỷ niệm xa xưa, trai gái dần trở nên mạnh dạn, chia sẻ tâm tình để tìm người bạn đời phù hợp.
Lễ cầu may của người Ba Na (Ảnh: Văn hóa Việt Nam). |
Xem thêm
Chúa Trịnh đòi lại được một vùng biên ải Trong lịch sử hào hùng của Đại Việt, vùng biên ải phía Bắc là nơi chứng kiến nhiều biến động. Khi thì là cửa ngõ ... |
Chủ đề ngày Môi trường thế giới năm 2019 là gì? Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chọn là ngày Môi trường thế giới. |
Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam nằm tại tỉnh nào? Chắc hẳn nhiều người không biết tại Việt Nam có một bảo tàng rắn và nơi đây sở hữu rất nhiều tiêu bản của các ... |